Ngân hàng sát cánh cùng doanh nghiệp
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển, thời gian qua, ngành Ngân hàng tỉnh Sóc Trăng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 50.524 tỷ đồng. Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ cấp ủy, chính quyền về môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính… hoạt động của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, mặc dù kinh tế địa phương đã dần phục hồi và khởi sắc, doanh nghiệp quay lại thị trường, gia nhập mới thị trường có tín hiệu tích cực nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đã ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, hoạt động sản SXKD vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Để góp phần chia sẻ khó khăn, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt khó, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.177 khách hàng với tổng giá trị nợ cơ cấu là 1.536 tỷ đồng, trong đó, giá trị cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho cá nhân là 817 tỷ đồng (4.132 khách hàng), doanh nghiệp là 683 tỷ đồng (45 khách hàng) theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đi vào hoạt động năm 2022, ngay thời điểm dịch Covid-19, Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự đồng hành của Agribank Chi nhánh thị xã Vĩnh Châu, công ty tiếp cận được nguồn vốn để duy trì sản xuất cho đến hôm nay. “Công ty chuyên sản xuất ruốc sấy, ruốc ghim và hiện các sản phẩm có mặt tại siêu thị, các trạm dừng chân và chuỗi online. Hiện nhà xưởng đã xuống cấp, công ty mong muốn sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi để sửa chữa, mua sắm thêm máy móc, mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ trong thời gian tới”, chị Lê Thị Trúc Hà - đại diện công ty cho biết.
Đồng chí Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết:
Từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9/2024, các tổ chức tín dụng đã giải ngân được 101.310 tỷ đồng, tăng 17.028 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ tăng 20,2%; có 1.180 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ cho vay là 26.161 tỷ đồng, tăng 4.530 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 21% so với cuối năm 2023, chiếm 38,2% tổng dư nợ. Hiện tổng dư nợ toàn tỉnh (tính đến ngày 15/9/2024) đạt 68.486 tỷ đồng, tăng 7.238 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng 11,8%. Như vậy, từ đây đến cuối năm 2024, các tổ chức tín dụng vẫn còn dư địa để cho vay đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (dư nợ đạt 28.288 tỷ đồng, chiếm 41,3% tổng dư nợ); lĩnh vực xuất khẩu (dư nợ đạt 7.529 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ); doanh nghiệp nhỏ và vừa (dư nợ đạt 15.537 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20%); các chương trình tín dụng chính sách (dư nợ đạt 5.528 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ).
Bên cạnh sự sát cánh của ngành Ngân hàng, các sở, ban ngành tỉnh Sóc Trăng cũng đã tập trung, chủ động thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiêp phát triển SXKD.
Theo đồng chí Ngô Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh tổ chức 4 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động SXKD. Sau các buổi gặp gỡ, 100% các ý kiến của các doanh nghiệp đều được UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan xem xét giải quyết, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đầu tư kinh doanh tại Sóc Trăng.
Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh đã tiếp và làm việc với 83 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Có 398 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 5,8% so cùng kỳ, trong đó có 329 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 1%) với tổng vốn đăng ký là 1.926,18 tỷ đồng; 69 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 32,7%)… Qua đó, góp phần tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2024 phát triển theo chiều hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,55% (9 tháng năm 2024), cùng kỳ năm 2023 là 4,99% (chỉ tiêu nghị quyết năm 2024 đạt từ 7 - 7,5%). Theo đó, khu vực I tăng 4,4% (cùng kỳ tăng 1,68%); khu vực II tăng 11,83% (cùng kỳ tăng 5,19%), trong đó công nghiệp tăng 12,96% (cùng kỳ tăng 4,41%); khu vực III tăng 6,61% (cùng kỳ tăng 9,22%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 4,95%).
Theo đồng chí Ngô Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định trong buổi họp mặt, đối với doanh nghiệp, trong tháng 10/2024 sẽ tiếp tục đồng hành và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động. Đối với ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất để đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp tỉnh nhà.