Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan đòi bồi thường lẫn nhau
Ngày 08/11, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1, vụ án xảy ra tại Tập đoàn VTP, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan. Sau khi xét hỏi tất cả các bị cáo có kháng cáo, HĐXX xem xét kháng cáo của bị hại là ngân hàng SCB và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan lần đầu đề cập đến việc năm 2021 đã nộp 5.000 tỷ đồng vào SCB để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng nhận. Nay bị cáo xin tòa xem xét trả lại cho các cổ đông, sẽ dùng số tiền trên để khắc phục hậu quả vụ án. Đại diện SCB xác nhận ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận, song khoản tiền 5.000 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung của SCB.
Về kháng cáo của Công ty CP Cảnh Hưng - Hải Thành liên quan tới tài sản trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM), bà Trương Mỹ Lan trình bày, trước đây một người bạn nợ bị cáo cả ngàn tỷ nên đưa cho bị cáo sổ đỏ tài sản. Sau đó SCB mượn để tái cơ cấu. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo không nhắc đến tài sản này.
Tương tự, đại diện phía Công ty CP Cảnh Hưng - Hải Thành cũng cho biết không được một cơ quan nào mời làm việc về tài sản này, chỉ biết khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1 thì mới biết tài sản của mình nằm trong vụ án. Theo người đại diện, tài sản này liên quan tới một vụ án khác và đã được một tòa án tuyên giao UBND TPHCM phối hợp với Quân chủng Hải quân thu hồi và cấp lại sổ đỏ.
TAND TPHCM căn cứ vào những tài liệu mà SCB cung cấp, đã có phán quyết liên quan tới tài sản của Công ty CP Cảnh Hưng - Hải Thành và nay công ty có kháng cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giải quyết theo quy định pháp luật.
Trước đó, chiều ngày 07/11, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và đại diện ngân hàng SCB, nhằm làm rõ các kháng cáo liên quan đến trách nhiệm dân sự trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan yêu cầu được nhận lại một số tài sản tại TPHCM, gồm: Nhà cổ số 110 Võ Văn Tần, nhà số 78 Nguyễn Huệ, nhà đất số 19-25 Nguyễn Huệ, nhà đất số 24 Lê Lợi và nhà đất số 21-21A Trần Cao Vân. Bà Lan cho biết những tài sản này là do mẹ bà mua hoặc đứng tên con gái bà.
Bên cạnh đó, bà Lan cũng trình bày việc đã nộp 5.000 tỷ đồng vào SCB năm 2021 để tăng vốn điều lệ, tuy nhiên chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng nhận. Bà đề nghị tòa xem xét trả lại số tiền này cho các cổ đông, nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
Đại diện SCB khẳng định, ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục tăng vốn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. HĐXX yêu cầu SCB xem xét lại việc sử dụng khoản tiền này.
Ngoài ra, SCB còn đề nghị HĐXX buộc bà Lan phải bồi thường lãi cho 1.284 khoản vay và công nhận các giao dịch với Công ty Hồng Phát, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh và Công ty Phương Trang. SCB cũng từ chối giao lại 13 quyền sử dụng đất cho Công ty Hồng Phát và 3 bất động sản cho Công ty Phương Trang. Đồng thời, SCB yêu cầu tòa giao cho ngân hàng quản lý 1.121 mã tài sản, bao gồm cả nhà đất số 24 Lê Lợi.
Trong phiên xét xử, chủ tọa thông tin rằng bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Capella, đã xin phép xét xử vắng mặt do sức khỏe không đảm bảo. Ông Trí đã nộp thêm 189 tỷ đồng, nâng tổng số tiền khắc phục lên 1.000 tỷ đồng. Luật sư cho biết ông Trí cũng đã hoàn tất việc nộp tiền án phí.
Trước đó, ông Trí bị tai nạn chấn thương, hiện sức khỏe đã suy giảm. Ở phiên sơ thẩm, ông bị tuyên phạt 8 năm tù vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.