Ngân hàng tăng vốn để nâng sức cạnh tranh

Câu chuyện các ngân hàng tăng vốn đã được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mà còn là cơ hội để hoàn thiện năng lực quản trị, tăng cường khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác trong nước cũng như quốc tế.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

20 ngân hàng được chấp thuận tăng vốn

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 20 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Trong đó, với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng vốn cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) hoàn thiện phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận cho phép ngân hàng này giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. VietinBank đang đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn cũng thông tin, kết thúc năm 2023, Agribank hoàn thành các chỉ tiêu huy động vốn, dư nợ cho vay, tỷ lệ nợ xấu, lợi nhuận..., bảo đảm để Agribank tăng 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ theo đề án Chính phủ trình, đã được Quốc hội thông qua.

Với nhóm ngân hàng còn lại, mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đã công bố chấp thuận để Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) tăng thêm tối đa 6.200 tỷ đồng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Phương án này đã được đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của NCB thông qua. Động thái này nhằm mục đích là mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính. Dự kiến, NCB sẽ phát hành 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong quý II-2024. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, kể từ ngày hoàn thành chào bán. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

Với Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định sửa đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động. Trong đó, vốn điều lệ được điều chỉnh từ hơn 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã hoàn thành thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Thỏa thuận này mang về cho VPBank hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) vốn cấp 1. Vốn chủ sở hữu của VPBank theo đó nâng từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ khối nội, ngân hàng ngoại cũng rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ cuối năm 2023. Ngân hàng UOB Việt Nam vừa thông báo tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc “bơm” vốn từ ngân hàng mẹ tại Singapore. Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại ASEAN. Với mức vốn tăng thêm này, UOB có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng.

Bổ sung năng lực cho ngân hàng

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình, việc VietinBank đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn với cả giai đoạn 2024-2028 sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng. Tương tự, đại diện NCB cho hay, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo sức bật cho quá trình chuyển đổi toàn diện, hướng tới các mục tiêu chiến lược, số hóa toàn diện, đầu tư giải pháp, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, gia tăng giá trị cho khách hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với các ngân hàng có vốn nhà nước, việc tăng vốn không chỉ vì mục tiêu là khẳng định vị thế những tổ chức tín dụng lớn nhất ở hệ thống trong nước, mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Cũng có ý kiến đánh giá, việc ngân hàng tăng vốn điều lệ là điều kiện cần cho các ngân hàng tăng nguồn lực chống chọi với khó khăn, thách thức. Ngược lại, trong bối cảnh kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn, ngân hàng cũng không dễ dàng tăng vốn.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, hệ số CAR (hệ số xác định năng lực của các ngân hàng trong việc đáp ứng các khoản nợ phải trả có thời hạn và các rủi ro khác) tại các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, song “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngân hàng Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia. Do đó, việc tăng vốn điều lệ (cấu phần chủ yếu của CAR) là hết sức cần thiết, giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ngan-hang-tang-von-de-nang-suc-canh-tranh-657944.html