Ngân hàng tăng vốn: Xây dựng tương lai bền vững

Để gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, tăng nguồn vốn trung và dài hạn, tập trung đầu tư vào công nghệ, cải thiện hệ CAR, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc tăng vốn điều lệ.

Mới đây, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ lên 4.110 tỷ đồng. Theo đó, OCB tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20% theo phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.

Những năm trở lại đây, OCB là một trong những ngân hàng có hoạt động tăng vốn điều lệ liên tục, nằm trong top ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Theo đại diện ngân hàng, cùng với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tăng cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch. Với số vốn tăng thêm, ngân hàng tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng.

Không chỉ OCB, hàng loạt ngân hàng cũng đang cấp tập gia tăng sức mạnh tài chính thông qua hàng loạt các phương án tăng vốn điều lệ. Là một trong số các TCTD đầu tiên được NHNN chấp thuận tăng vốn trong năm 2024, LPBank cho biết sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng, nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Theo chia sẻ của ngân hàng này, việc chào bán thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ của LPBank nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đối tác và cổ đông. Bộ đệm vốn dày cũng cho phép LPBank hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tăng vốn giúp ngân hàng tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng

Tăng vốn giúp ngân hàng tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng

SeABank cũng vừa thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) để tăng vốn điều lệ lên 28.800 tỷ đồng.

Có thể thấy, thông qua nhiều hình thức khác nhau như chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành ESOP, hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu... ngân hàng Việt đang tích cực tăng vốn để nâng cao “sức khỏe” tài chính của mình.

Theo các chuyên gia, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, tăng vốn là một đòi hỏi tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bộ đệm vốn dày dặn sẽ giúp các ngân hàng chủ động đối phó, giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, tiếp tục hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức với ngành Ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng. Ngay cả việc Thông tư 06/2024/TT-NHNN thay thế Thông 02/2023/TT-NHNN về gia hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm nay thì ngân hàng vẫn chịu áp lực nợ xấu. Chính vì vậy, việc có một bộ đệm vốn tốt sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp các nhà băng đứng vững trước thách thức.

Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nhận định, với việc vốn dày dặn hơn, ngân hàng sẽ ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra. Đây là bài học được rút ra từ rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng trên thế giới. Mặt khác, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã nêu rõ, đối với nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, tăng vốn cũng là việc làm bắt buộc để đáp ứng yêu cầu của đề án trên. Bên cạnh đó, tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng “ghi điểm” với NHNN trong việc xét tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ngân hàng nào cũng có thể đạt được mục tiêu tăng vốn như đã đề ra. Có những ngân hàng nhờ có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng dễ dàng tăng vốn qua việc phát hành thêm cổ phiếu thu hút nhà đầu tư chiến lược. Nhưng cũng có nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính trung bình sẽ gặp khó khăn hơn với phương án tăng vốn, nhất là cơ hội hút vốn ngoại… Chính vì vậy, các ngân hàng cần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-tang-von-xay-dung-tuong-lai-ben-vung-153323.html