Ngân hàng Thế giới: Di cư và kiều hối là động lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và con người

Ngân hàng Thế giới dự đoán lượng kiều hối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn vào năm 2024, ở mức 2,3%.

Theo Ngân hàng Thế giới, Mexico là nước tiếp nhận lượng kiều hối lớn thứ hai thế giới trong năm 2023, xếp sau Ấn Độ. (Nguồn: Global Capital)

Theo Ngân hàng Thế giới, Mexico là nước tiếp nhận lượng kiều hối lớn thứ hai thế giới trong năm 2023, xếp sau Ấn Độ. (Nguồn: Global Capital)

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối trên toàn cầu tăng trong năm 2023, nhưng chi phí gửi kiều hối vẫn còn quá cao.

Kiều hối đến Mỹ Latinh và Caribe đạt 156 tỷ USD vào năm 2023 và ngày càng tăng nhờ sức mạnh của thị trường lao động ở Mỹ.

Mexico là nước nhận kiều hối lớn nhất trong khu vực và xếp thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ - với 66,2 tỷ USD, tiếp theo là Guatemala với 20 tỷ USD, Cộng hòa Dominicana 10,6 tỷ USD, Colombia 10,1 tỷ USD, Honduras 9 tỷ USD và El Salvador 8,2 tỷ USD. Những nước nhận kiều hối lớn khác là Ecuador 5,5 tỷ USD, Nicaragua 4,7 tỷ USD, Brazil và Peru mỗi nước 4,4 tỷ USD.

Về tỷ lệ phần trăm, mức tăng trưởng trong khu vực rất khác nhau, từ mức tăng 44,5% ở Nicaragua đến mức giảm 13,4% ở Argentina và dòng kiều hối đến khu vực dự kiến sẽ tăng 2,7% trong năm 2024.

Mức biến động kiều hối đến Mỹ Latinh và Caribe khiêm tốn hơn ở các khu vực khác, ví dụ như mức giảm gần 15% ở Trung Đông và Bắc Phi.

Trên toàn cầu, kiều hối có mức tăng trưởng khiêm tốn 0,7% và đạt tổng cộng 656 tỷ USD trong năm 2023, tuy nhiên, dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn vào năm 2024.

WB dự đoán lượng kiều hối đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn vào năm 2024, ở mức 2,3%, mặc dù mức tăng trưởng này sẽ không đồng đều ở tất cả các khu vực.

Những rủi ro tiêu cực có thể xảy ra đối với những dự báo này bao gồm tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến ở các quốc gia có thu nhập cao tiếp nhận người di cư và biến động về giá dầu, tỷ giá hối đoái.

Sự phục hồi việc làm ở các quốc gia có thu nhập cao sau đại dịch Covid-19 được coi là động lực thúc đẩy lượng kiều hối tăng lên. Các điểm đến chính của 300 triệu người di cư quốc tế ước tính vào năm ngoái là Mỹ, Đức, Saudi Arabia, Nga và Vương quốc Anh.

Các tuyến đường xuất phát lớn của người di cư vào năm ngoái là Ấn Độ, Ukraine, Trung Quốc, Mexico và Venezuela. Tuyến từ Mexico đến Mỹ là hành lang di cư nhộn nhịp nhất trên thế giới.

Giám đốc Cơ quan Thực hành lao động và Bảo trợ xã hội toàn cầu của WB Iffath Sharif nhấn mạnh rằng di cư và các khoản kiều hối liên quan là động lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và con người.

Nhà kinh tế cấp cao và là tác giả chính của báo cáo trên của WB Dilip Ratha chỉ rõ việc tận dụng kiều hối để thúc đẩy hòa nhập tài chính và tiếp cận thị trường vốn có thể cải thiện triển vọng phát triển của các quốc gia tiếp nhận.

Theo báo cáo, mục tiêu của WB là giảm chi phí chuyển tiền và tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng tiền chính thức, giảm thiểu rủi ro chính trị và thương mại để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.

Tổ chức này cho rằng chi phí gửi kiều hối vẫn còn quá đắt. Trong quý IV/2023, chi phí trung bình toàn cầu để gửi 200 USD là 6,4% số tiền được gửi, tăng nhẹ so với mức 6,2% của năm trước và cao hơn nhiều so với mục tiêu 3% đặt ra trong Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

(theo TTXVN)

Vy Vy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngan-hang-the-gioi-di-cu-va-kieu-hoi-la-dong-luc-thiet-yeu-cho-su-phat-trien-kinh-te-va-con-nguoi-277694.html