Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc bất chấp dịch bệnh và thiên tai

Ngày 13-11, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo 'Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam' tháng 11-2020, trong đó cho rằng kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi vững chắc bất chấp khó khăn do dịch bệnh và thiên tai.

Trong tháng 10, WB ghi nhận Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng phải hứng chịu một loạt các cơn bão làm hơn 200 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại ước tính 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi vững chắc, với sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2019, là mức cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2-2020. Các chỉ số tài chính của tháng 10 cũng ổn định, với tỷ lệ lạm phát ở ngưỡng 2,5% (so với cùng kỳ năm 2019), tăng trưởng tín dụng đạt 9,5% ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu thêm 0,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (không được điều chỉnh theo mùa - NSA) và doanh số bán lẻ hàng hóa (điều chỉnh theo mùa - SA) lần lượt tăng 6,6% và 6,7% (so với cùng kỳ năm 2019). Các lĩnh vực hóa chất và dược phẩm, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, thiết bị và đồ nội thất, sản xuất và chế biến thực phẩm đã đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam ở mức 51,8 trong tháng 10 cũng cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực này.

WB ghi nhận Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng phải hứng chịu một loạt các cơn bão .

Thặng dư thương mại hàng hóa (SA) trong 10 tháng năm 2020 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, được củng cố bởi thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 10. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 9,7% và 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại có sự khác biệt đáng kể giữa các nước đối tác, trong đó thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục tăng kỷ lục nhờ hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh (trên 20% so với cùng kỳ năm 2019).

Doanh số bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu trong nước trong bối cảnh lĩnh vực du lịch và lữ hành chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ và thiết bị gia đình tăng 6,3%; quần áo tăng 1,6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 vẫn đi ngang so với 3 tháng trước phản ánh sự ổn định trong ngắn hạn của giá thực phẩm, năng lượng và giao thông. CPI tăng 2,5% so với tháng 10-2019, chủ yếu do tăng giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống.

Mặt khác, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm lần lượt 30% và 80% trong 10 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch quốc tế vẫn chịu nhiều hạn chế, làm lượng khách du lịch nước ngoài giảm 73,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch thứ hai (tháng 8-2020). WB ghi nhận, FDI vào nước ta đã tăng lên khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10, so với 1,67 tỷ USD trong tháng 9 và 0,8 tỷ USD trong tháng 8. Trong 10 tháng năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI. Con số này tuy thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật, trong bối cảnh các dự báo cho thấy dòng vốn FDI vào các nước Đông Á giảm tới 30 - 45% trong năm 2020.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/983537/ngan-hang-the-gioi-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-vung-chac-bat-chap-dich-benh-va-thien-tai