Ngân hàng tìm đối tác cả chục năm, đại gia kín tiếng sớm xuất hiện
Các cuộc đổi chủ, sáp nhập, tìm đối tác lớn của ngân hàng thường kéo dài. Điển hình như thương vụ thoái vốn tại PGBank của Tập đoàn Xăng dầu đã kéo dài cả thập kỷ mới chốt xong, và người mua kín tiếng sẽ sớm được tiết lộ.
Những thương vụ dang dở của PGBank
Ngày 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bán đấu giá thành công toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank (PGB), tương đương 40% cổ phần, với giá cao hơn 100 đồng so với mức khởi điểm 21.300 đồng/cp.
Theo VnDirect, sau 11 năm, công cuộc tìm chủ nhân cho PGBank đã dần đến hồi kết. Dù vậy, hiện, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chưa công thông tin 40% cổ phần PGBank vào tay chủ mới nào.
Từ năm 2012, Petrolimex đã lên kế hoạch về việc thoái vốn tại PGB để tập trung kinh doanh các mảng cốt lõi. Tuy nhiên, thương vụ này đã kéo dài, dẫn đến việc trì hoãn của ngân hàng trong việc thực hiện tăng vốn mở rộng quy mô.
Đến năm 2015, PGBank ký thỏa thuận sáp nhập vào VietinBank. Nhưng 2 năm sau đó, thương vụ vẫn chưa thể diễn ra. Đầu năm 2018, VietinBank cho biết đã tạm dừng giao dịch sáp nhập PGBank.
Tháng 4/2018, PGBank chuyển sang ký thỏa thuận sáp nhập với HDBank (HDB) và được cơ quan quản lý chấp thuận về mặt nguyên tắc. Thương vụ này một lần nữa rơi vào bế tắc khiến đầu năm 2021, cả PGBank và HDBank đều tuyên bố dừng sáp nhập.
Khi đó, một tỷ lệ lớn cổ phần PGBank đã về tay nhóm TNG Holdings. TNG Holdings giới thiệu có 2 công ty liên kết trong lĩnh vực ngân hàng, là PGBank và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Trước đó, ngày 30/3, MSB do ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Một nội dung quan trọng được nhắc đến là việc nhận sáp nhập với một ngân hàng thương mại khác.
Lãnh đạo MSB hé lộ về khả năng sáp nhập PGBank. Đây cũng là câu chuyện đã được nói đến nhiều năm, trong bối cảnh dàn lãnh đạo của MSB sang PGB. MSB có nhu cầu sập nhập PGB, để gia tăng khả năng cho vay.
PGBank được thành lập năm 1993 dưới tên Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười với số vốn điều lệ ban đầu 700 triệu đồng. Sau khi đi vào hoạt động 12 năm, đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (PLX) tham gia góp vốn vào ngân hàng, chính thức trở thành cổ đông chiến lược lớn và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đến năm 2013, ngân hàng chính thức trở thành tổ chức giao dịch công khai trên sàn UPCom với hơn 300 triệu cổ phiếu được giao dịch với mức giá 10.000đ/cp. Vào cuối năm 2022, vốn điều lệ của PGB đạt 3.000 tỷ đồng, thuộc mức thấp nhất trong hệ thống.
Việc có PLX là cổ đông lớn đã hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong hoạt động kinh doanh. Từ năm 2013, PGBank đã tận dụng lợi thế mạng lưới của PLX (gồm hơn 2.600 trạm xăng). Ngoài ra, PGB cũng hợp tác với 184 công ty con và đối tác của PLX, từ đó tiếp cận được nguồn khách hàng cá nhân qua dịch vụ thanh toán lương cho cán bộ nhân viên của tập đoàn, đem đến nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn cho ngân hàng.
Nhiều thương vụ kéo dài
Thực tế, các cuộc thâu tóm ngân hàng thường kéo dài. Có những thương vụ, cả thập kỷ sau mới xuất hiện đại gia kín tiếng bỏ tiền đầu tư.
Gần đây, NHNN đã chấp thuận đề nghị của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu do Tổng cục Bưu điện Việt Nam (Viet Nam Post) sở hữu, sau một năm bán ế.
Hồi đầu năm 2022, Viet Nam Post từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB nhưng không thành công. Chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua 800 cổ phiếu LPB, với giá đấu bình quân 29.483 đồng/cổ phiếu. Không có bất cứ nhà đầu tư tổ chức nào tham gia. Giá khởi điểm là 28.930 đồng/cổ phần, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần.
Trong phiên đầu giá vào 21/4, thách thức thoái vốn của Viet Nam Post tại LienVietPostBank là rất lớn. Với tỷ lệ cổ phiếu chào bán không lớn (140,5 triệu cổ phần, tương đương 8,13% vốn điều lệ), chưa đủ để có tiếng nói trong hoạt động quản trị, điều hành tại LPB. Trong khi, khởi điểm 22.908 đồng/cp cao hơn 50% thị giá cổ phiếu LPB trên thị trường.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã ABB), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thoái vốn cũng khó khăn và kéo dài.
Năm 2013, EVN đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi ABB. Theo quy định, EVN không được bán cổ phần thấp hơn giá mua vào. Trong khi, ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn và phải tái cấu trúc, việc tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính đã khó, chưa nói đến việc có thể mua các tài sản trên ngang với giá ban đầu.
Cuối năm 2013, EVN chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) của ông Vũ Văn Tiền, với giá trị 252 tỷ đồng. EVN giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 21,3% xuống còn hơn 16%. Cuối năm 2015, EVN bán đấu giá và giảm tỷ lệ sở hữu tại ABB xuống dưới 8,7%.
Thị trường còn chứng kiến thương vụ Vietnam Airlines thoái vốn 24 triệu cổ phần tại Techcombank vào cuối năm 2013. Vụ thoái vốn Maritime Bank do VNPT sở hữu gặp nhiều khó khăn từ 2015-2017. Tương tự, MobiFone gặp khó khi thoái vốn tại SeABank và TPBank.
Thậm chí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mất 800 tỷ đồng, do không thoái vốn (20%) tại OceanBank. Ngân hàng này kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu, NHNN buộc phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng. PVN có kế hoạch thoái vốn khỏi OCB từ năm 2012.
Ngoại trừ thương vụ mất vốn như OceanBank, các thương vụ chuyển nhượng cổ phần ngân hàng vẫn hấp dẫn. Nhiều tổ chức lớn nhòm ngó làm cổ đông ngân hàng. Sự ế vốn chỉ xảy ra ở một vài thời điểm khi thị trường chứng khoán không thuận lợi, hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn, giảm tỷ lệ sở hữu chéo, hoặc/và có sự cạnh tranh giữa các nhóm nhà đầu tư...
Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn mạnh vào lĩnh vực này như thương vụ SMBC của Nhật rót 1,5 tỷ USD vào VPBank đổi lấy 15% cổ phần, hay vụ vượt room ngoại tại Sacombank. Một số tổ chức ngoại muốn mua đứt 100% vốn ngân hàng nhỏ yếu kém nếu được cho phép.