Ngân hàng trợ lực doanh nghiệp

Năm 2024, ngành ngân hàng tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nhiều giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tuyên Quang tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, với phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp' để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong vay vốn ngân hàng.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Xác định mối quan hệ “cộng sinh” với doanh nghiệp, các ngân hàng không ngừng triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó các ngân hàng lớn giảm mạnh lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất và các loại phí.

Ngân hàng Agribank huyện Sơn Dương ký kết hợp đồng hợp tác tín dụng với doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Ngân hàng Agribank huyện Sơn Dương ký kết hợp đồng hợp tác tín dụng với doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết, BIDV Việt Nam đã tiết giảm các chi phí, giảm lợi nhuận để triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp để cho vay. Hiện chi nhánh triển khai gói tín dụng ngắn hạn cho vay sản xuất kinh doanh đối với khách hàng cá nhân với lãi suất tối thiểu chỉ 4,2%/năm; gói tín dụng cạnh tranh trung và dài hạn cho khách hàng cá nhân chỉ từ 6,7%/năm; gói tín dụng ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, còn cho vay trung và dài hạn chỉ từ 6,5%/năm.

Về phía ngân hàng Agribank Tuyên Quang, chi nhánh có nhiều khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở địa bàn nông thôn. Chính vì thế, để trợ lực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngân hàng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ cung ứng vốn thông qua các gói vay ưu đãi cho khách hàng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm lãi suất, giãn, gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh. Agribank đã có nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2 - 4%/năm so với đầu năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, ngành ngân hàng đã tích cực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khách hàng như: giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2,2% so với đầu năm; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 32 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu là 46,8 tỷ đồng…

Tại hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp diễn ra tháng 8 - 2024, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có dư địa giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ những biến động của kinh tế thế giới, trong nước tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng nên mặc dù ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng, tăng trưởng tín dụng nhưng kết quả cho vay các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) đề xuất ý kiến với ngành ngân hàng về việc vay vốn trong thời gian tới.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) đề xuất ý kiến với ngành ngân hàng về việc vay vốn trong thời gian tới.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Là khách hàng được vay vốn của BIDV từ nhiều năm nay, ông Lê Quang Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Linh Giang (Hàm Yên) chia sẻ: Công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp nên cần nhiều vốn, đồng thời cũng cần có các nghiệp vụ bảo lãnh từ phía ngân hàng với số tiền lớn. Rất may, công ty đủ điều kiện để được Phòng giao dịch BIDV Hàm Yên ký hợp đồng tín dụng hạn mức bảo lãnh 10 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để công ty đầu tư phát triển và thi công các dự án, công trình đảm bảo tiến độ.

Công ty TNHH Long Thắng (Sơn Dương) gắn kết 20 năm với ngân hàng Agribank. Qua nhiều năm công ty được Agribank tạo điều kiện tăng dư nợ bằng tài sản, như máy móc của công ty có giá trị gần 100 tỷ. Để thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, công ty đã đề xuất ngân hàng đồng hành, sát kề cùng các dự án của công ty để cùng thẩm định và giải ngân kịp thời.

Trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất nông nghiệp, Agribank đã tích cực đồng hành cùng các hợp tác xã. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết: Hợp tác xã đã vay 2 tỷ đồng của Agribank đầu tư cây dược liệu, xây dựng thương hiệu cà gai leo trên thị trường, được khách hàng đánh giá tốt, sử dụng nhiều. Nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh đã chủ động tìm đến hợp tác xã để ký hợp đồng, nhập sản phẩm về kinh doanh. Hướng đi của hợp tác xã từ khi tiếp cận nguồn vốn có sự phát triển tốt. Hiện, hợp tác xã có kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất tại địa phương và đang tiếp tục đề xuất Agribank đồng hành.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất cần sự phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía chính quyền địa phương, các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kích thích đầu tư, tiêu dùng, gia tăng nhu cầu tín dụng, đẩy nhanh vòng quay vốn của nền kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các biện pháp, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận vốn tín dụng. Tính đến tháng 8 - 2024, dư nợ tín dụng đạt 32.250 tỷ đồng, trong đó, dư nợ doanh nghiệp đạt 9.762 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ngan-hang-tro-luc-doanh-nghiep-197705.html