Ngân hàng trung ương Anh giữ nguyên lãi suất trước nguy cơ kinh tế bất ổn
BoE cảnh báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế của Vương quốc Anh.
Ngày 17/9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1% trước viễn cảnh lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, BoE nhận định nền kinh tế đã phục hồi phần lớn sản lượng bị mất trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa song "viễn cảnh kinh tế vẫn vô cùng bất ổn".
BoE cảnh báo sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế của Vương quốc Anh.
BoE cũng lưu ý rằng mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) tiềm ẩn rủi ro cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng này giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục.
BoE cũng loại trừ khả năng tăng lãi suất tới cuối năm nay, nhấn mạnh sẽ chờ tới khi đạt được "tiến triển đáng kể" trong việc đưa tỷ lệ lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng quyết định tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng hỗ trợ nền kinh tế với quy mô chương trình mua tàn sản của ngân hàng là 745 tỷ bảng Anh (947 tỷ USD).
Tỷ lệ lạm phát của Anh hiện đang ở mức 0,2% - mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nhà kinh tế Andrew Wishart thuộc Capital Economics dự báo lãi suất cơ bản sẽ không cao hơn 0,1% trong 5 năm tới.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lần đầu tiên kể từ khi lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan được áp đặt từ tháng 3. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ thất nghiệp tại nước này trong 3 tháng tính đến tháng 7 vừa qua đã tăng lên 4,1%, tăng 0,2% với 3 tháng trước đó.
Theo ONS, số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp lên tới 2,7 triệu người trong tháng 8 vừa qua, tăng 121% kể từ tháng 3 khi Anh bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc. Giới chuyên gia cho rằng số nhân viên có tên trong bảng lương giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng đã cho thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh vẫn đang ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực việc làm.
Các nhà phân tích dự báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong những tháng tới khi tháng 10, chính phủ sẽ kết thúc chương trình trợ cấp khổng lồ để duy trì 10 triệu việc làm hiện nay.
Trong khi đó tại Ấn Độ, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đã khiến nước này ước tính mất khoảng 6,6 triệu việc làm "cổ cồn trắng" chuyên nghiệp như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, xóa sạch thành quả đạt được trong 4 năm qua.
Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ dẫn báo cáo của Trung tâm theo dõi kinh tế Ấn Độ (CMIE) cho biết từ mức đỉnh điểm 18,8 triệu nhân viên "cổ cồn trắng" chuyên nghiệp được tuyển dụng trong tháng 5-8/2019, việc làm của nhóm này giảm xuống còn 12,2 triệu trong tháng 5-8. Đây là mức việc làm thấp nhất của nhóm này kể từ năm 2016.
Cũng theo CMIE, thiệt hại việc làm lớn tiếp theo thuộc về nhóm những người lao động công nghiệp. Bằng một so sánh tương tự, nhóm này đã mất 5 triệu việc làm, tương đương mức giảm 26% số việc làm của công nhân công nghiệp trong một năm qua.
Tuy nhiên, tình trạng mất việc làm của công nhân công nghiệp dường như chủ yếu diễn ra ở các cơ sở công nghiệp nhỏ hơn, phản ánh tình trạng khó khăn trong các đơn vị công nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong thời gian gần đây.
Báo cáo lưu ý lệnh phong tỏa không ảnh hưởng đến các nhân viên "cổ cồn trắng" văn thư, vốn chủ yếu bao gồm các nhân viên bàn giấy, như thư ký văn phòng và người nhập dữ liệu… Một nguyên nhân lý giải cho việc này có thể là do công việc của họ chuyển sang chế độ làm việc tại nhà.
CMIE trước đó ước tính 121 triệu việc làm đã bị mất ở Ấn Độ trong tháng 4 vừa qua. Hầu hết trong số đó đã được khôi phục vào tháng 8 vừa qua, nhưng tình trạng của nhóm làm công ăn lương đang tiếp tục xấu đi./.