Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất mạnh chưa từng có
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, trong khi thường chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm.
Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999.
Việc tăng lãi suất mạnh chưa từng có tại cuộc họp vào ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết để nhằm hạ nhiệt lạm phát ở mức cao kỷ lục khiến người tiêu dùng gặp khó khăn và kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái.
Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất cơ bản thêm tới 0,75 điểm phần trăm, mức tăng chưa từng thấy đối với một định chế thông thường vẫn rất thận trọng trong các quyết định về lãi suất. Hồi cuối tháng 7, mức tăng 0,5 điểm phần trăm cũng đã là cao hơn so với kỳ vọng.
Lãi suất huy động tăng lên 0,75%, lãi suất tái cấp vốn lên 1,25% và lãi suất cho vay cận biên lên 1,5%. Các mức lãi suất như vậy là cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây.
Lạm phát ở mức quá cao và chưa có dấu hiệu dừng, Euro đang sụt giá thê thảm, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải có biện pháp mạnh mẽ hiếm thấy.
Việc tăng mạnh lãi suất nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp, điều mà về lý thuyết sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư, và hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa.
Động thái tăng lãi suất của ECB ngay lập tức đã tác động đến thị trường tài chính châu Âu. Hầu hết các chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Âu đã đồng loạt giảm điểm, khiến chỉ số STOXX 600 của khu vực mất khoảng 0,7% giá trị.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ dẫn đầu đà giảm của thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tăng nhẹ, nhờ quyết định của ECB.
Trên thị trường tiền tệ, đồng Euro giảm 0,6% so với đồng USD, giao dịch ở mức 1 Euro đổi 0,9941 USD. Giới chuyên gia dự báo, việc ECB tăng lãi suất sẽ không có nhiều tác dụng trong việc thúc đẩy giá trị của đồng Euro trong thời gian tới.
Giá năng lượng đã vượt tầm kiểm soát của ECB, nhưng ngân hàng này cho rằng tăng lãi suất sẽ ngăn chặn việc lạm phát được cho là lý do cho việc tăng lương.
Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg, Holger Schmieding, cho rằng giá năng lượng và các chương trình hỗ trợ của chính phủ cho người tiêu dùng sẽ có tác động lớn hơn đến lạm phát và mức độ nghiêm trọng của suy thoái nếu xảy ra hơn so với chính sách tiền tệ.
PV/HanoiTV
(Tổng hợp)