Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ
Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ nhằm giúp chính phủ đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thông qua các giao dịch trên thị trường sơ cấp.
BI - Ngân hàng trung ương Indonesia đã mua 1,6 tỷ USD trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp và cam kết duy trì giao dịch này trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước ngày càng tăng.
Ngày 18/5, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 có thể lên tới 1.028.500 tỷ rupiah (69 tỷ USD), tương đương 6,27% GDP, mức cao nhất trong ít nhất ba thập kỷ qua.
Thu ngân sách của ngành thuế dự kiến sẽ giảm mạnh do Chính phủ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tung các gói kích thích kinh tế nhằm ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng thêm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong tuần này, Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết cơ quan này sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ nhằm giúp chính phủ đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thông qua các giao dịch trên thị trường sơ cấp.
Trước đó, BI đã ký thỏa thuận với Bộ Tài chính về việc mua trái phiếu chính phủ. Tính đến ngày 14/5, ngoài 166.200 tỷ rupiah trái phiếu chính phủ mua vào trên thị trường thứ cấp, cơ quan này đã trực tiếp mua tổng cộng 22.800 tỷ rupiah trên thị trường sơ cấp thông qua các phiên đấu thầu không cạnh tranh.
Thống đốc Perry cho hay, là nhà thầu không cạnh tranh, BI được phép mua tối đa 25% trong tổng số trái phiếu chính phủ được phát hành. Nếu không đạt được chỉ tiêu này, BI có thể mua thêm trái phiếu thông qua quyền chọn phân bổ vượt mức.
Ông Perry cũng khuyến khích các ngân hàng cần nhiều thanh khoản hơn phát hành trái phiếu cho ngân hàng trung ương theo thỏa thuận mua lại (repo).
Theo số liệu của BI, tổng số trái phiếu của các ngân hàng Indonesia mà BI đang nắm giữ được định giá ở mức 886.000 tỷ rupiah tính đến ngày 14/5.
Chính sách nói trên là một phần của chương trình phục hồi kinh tế quốc gia, trong đó một trong những trọng tâm là thúc đẩy tái cơ cấu tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Việc có thêm thanh khoản sẽ cho phép các ngân hàng cứu trợ các SME thông qua tái cơ cấu nợ.
Kể từ tháng Ba đến nay, BI đã bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng quốc gia thông qua một loạt chính sách nới lỏng định lượng.
Theo ông Perry, BI đã "giải phóng" tổng cộng 583.800 tỷ rupiah (38,92 tỷ USD) tiền mặt của các ngân hàng địa phương bằng cách mua lại trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng này đang nắm giữ và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc./.