Ngân hàng và Bên vay tự ý định đoạt tài sản của các bên thế chấp bảo lãnh

Mặc dù không thông báo và không có ý kiến tham gia của các chủ sở hữu tài sản thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên vay, thế nhưng, bên vay và bên cho vay là Saigonbank vẫn tự ý định đoạt tài sản của các bên bảo lãnh, khiến vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng bị kéo dài suốt 09 năm qua.

Từ tự ý định đoạt tài sản của các bên thế chấp bảo lãnh

Ngày 24/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án dân sự “tranh chấp về hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và bị đơn là Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Công ty CP Long Mỹ Phát). Tại phiên tòa phúc thẩm, cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều không đưa ra chứng cứ mới liên quan đến vụ án.

Theo hồ sơ vụ án, Saigonbank có cho Công ty CP Long Mỹ Phát vay với số tiền là 290 tỷ đồng bằng 02 hợp đồng tín dụng gồm Hợp đồng số 84/2009/HĐTDDA-DN ngày 31/3/2009, hợp đồng này được sửa đổi bổ sung 2 lần bằng các hợp đồng số 84A/HĐTDBS-DN-2010 ngày 01/4/2010 và số 84B/HĐTDBS-DN-2010 ngày 08/6/2010 và Phụ kiện nhận nợ, trả nợ số 84/PK-NNTN/2010 ngày 31/3/2010, tổng số tiền vay là 220 tỷ đồng. Thứ hai, là hợp đồng tín dụng số 121/2010/HĐTDHM-DN ngày 18/10/2010, tổng số tiền vay là 70 tỷ đồng.

Nhà máy Công ty CP Long Mỹ Phát

Nhà máy Công ty CP Long Mỹ Phát

Để đảm bảo nợ vay cho các hợp đồng tín dụng trên, Công ty CP Long Mỹ Phát đã thế chấp 14 loại tài sản.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, tính đến ngày 04/5/2017, Công ty CP Long Mỹ Phát đã thanh toán được 25.830.000.000 đồng tiền nợ gốc. Saigonbank đã nhiều lần đôn đốc do quá hạn nhưng Công ty CP Long Mỹ Phát không thanh toán nợ. Do đó, Saigonbank khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc Công ty CP Long Mỹ Phát phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay cả gốc và lãi của 02 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền là 613.732.414.602 đồng, trong đó nợ gốc là 275.050.000.000 đồng. Và yêu cầu phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp (kể cả các tài sản thế chấp của các bên bảo lãnh chỉ để bảo lãnh một phần khoản vay) trong trường hợp Công ty CP Long Mỹ Phát không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán.

Phản bác yêu cầu trên của phía nguyên đơn, phía bị đơn và đại diện những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều cho rằng các Hợp đồng 84/2009/HĐTDDA-DN ngày 31/3/2009 (HĐ 84) và 02 Hợp đồng sửa đổi bổ sung số 84A/HĐTDBS-DN-2010 ngày 01/4/2010 (HĐ 84A) và số 84B/HĐTDBS-DN-2010 ngày 08/6/2010(HĐ 84B) đều vô hiệu và không có giá trị thực hiện do vi phạm nhiều quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (những người thế chấp tài sản để bảo lãnh một phần nghĩa vụ trả nợ vay cho Công ty CP Long Mỹ Phát) khẳng định, bên cho vay là Saigonbank và bên vay là Công ty CP Long Mỹ Phát đã tự ý định đoạt tài sản của họ, tự ý thay đổi nội dung của HĐ 84, sửa đổi, bổ sung HĐ 84 thành HĐ 84A và HĐ 84B. Việc sửa đổi, bổ sung HĐ 84 những người thế chấp tài sản để bảo lãnh một phần nghĩa vụ trả nợ vay cho Công ty CP Long Mỹ Phát không được thông báo và tham gia ý kiến. Do đó, cả hai Hợp đồng 84A và 84B đều vô hiệu, không có giá trị pháp lý.

Đồng thời, HĐ 84 cũng không còn giá trị thực hiện do đã bị Ngân hàng Saigonbank đơn phương sửa đổi, thay thế nội dung tại Điều 7 về tài sản thế chấp bằng HĐ 84A và HĐ 84B. Điều này đã làm cho Hợp đồng số 84 bị vi phạm. Bên cạnh đó, thực chất của Hợp đồng số 84 là hợp đồng giả tạo, nhằm thực hiện hành vi đảo nợ, giải quyết nợ xấu trái với quy định của pháp luật, nên phải bị tuyên vô hiệu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng khẳng định rằng, bên cho vay và bên vay tại các HĐ 84, HĐ 84A, HĐ 84B đã vi phạm điều 412 về nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự quy định tại mục 1 “... thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, số lượng, chủng loại...”.

Xét thấy vụ án mang tính chất phức tạp, còn nhiều tình tiết phải nghiên cứu làm rõ, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 27/8 tới.

Ngân hàng nhà nước kết luận

Theo hồ sơ phóng viên ghi nhận, việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Saigonbank và Công ty CP Long Mỹ Phát đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc thanh tra, xác minh, kết luận và báo cáo lên Văn phòng Chủ tịch nước.

Hợp đồng tín dụng giữa Saigonbank và Công ty CP Long Mỹ Phát

Hợp đồng tín dụng giữa Saigonbank và Công ty CP Long Mỹ Phát

Ngày 16/5/2013, NHNN đã có Công văn số 3452/NHNN-TTGSNH về việc “trả lời Văn bản số 2979/VPCP-V.I” báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch nước. Theo đó, về kết quả thanh tra việc Saigonbank cho vay Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Công ty CP Long Mỹ Phát được Ngân hàng Nhà nước nêu rõ:

Thứ nhất, Saigonbank không chấp hành quy trình trong thẩm định cho vay, giám sát vốn vay, phân nhóm nợ... đối với Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát. Do đó, dự án đáng lẽ không đủ điều kiện cho vay, nhưng Saigonbank vẫn cho vay dẫn đến tiềm ẩn rủi ro và nợ quá hạn. Sau khi có nợ quá hạn (thời điểm tháng 01/2009) Saigonbank đã không xử lý theo quy định mà lại cùng Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát bàn biện pháp thành lập một pháp khác là Công ty CP Long Mỹ Phát để mua lại dự án; cho công ty mới vay để thu hồi nợ cả gốc và lãi của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đã đẩy cả Công ty và Saigonbank vào tình thế khó khăn sau này.

Thứ hai, Saigonbank cho Công ty CP Long Mỹ Phát vay vốn thực chất là để chuyển cho Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát trả nợ quá hạn và Saigonbank thu lãi tồn đọng (một hình thức đảo nợ - PV), đã làm cho mức độ sai phạm của Saigonbank càng trầm trọng hơn; đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn (Nợ gốc tăng lên nhưng không sử dụng vào kinh doanh mà dùng trả lãi cho Saigonbank). Có nghĩa là, việc thu nợ của Saigonbank là không thể thực thi (vì đã nhập lãi vào gốc), trong khi dự án đang gặp khó khăn và không khả thi ngay giai đoạn thẩm định cho vay.

Lê Tú

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/ngan-hang-va-ben-vay-tu-y-dinh-doat-tai-san-cua-cac-ben-the-chap-bao-lanh-53850.html