Ngân hàng VIB chuẩn bị chốt danh sách cổ đông họp Đại hội cổ đông năm 2024
Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) chuẩn bị chốt danh sách cổ đông thâm dự Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Theo đánh giá của VNDirect, thị giá cổ phiếu VIB hiện thấp hơn tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng này.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) vừa có thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vào ngày 26/2/2024. Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 23/2/2024.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng VIB dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3/2024 tại TP.Hồ Chí Minh. Hiện ngân hàng này chưa công bố thêm các thông tin liên quan đến Đại hội.
Vừa qua, Ngân hàng VIB đã quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%; qua đó, trở thành ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 22/2/2024.
Trong tài liệu xin ý kiến cổ động về việc chia cổ tức, ban lãnh đạo Ngân hàng VIB cho biết, theo mô hình tài chính và dự báo khả thi, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của ngân hàng có thể đạt 8.640 tỷ đồng. Với mức thuế suất 20% áp dụng cho các tổ chức tín dụng, ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 có thể đạt 10.800 tỷ đồng.
Trước đó, trong Hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 10/2023, ban lãnh đạo Ngân hàng VIB đã dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 có thể đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, giai đoạn khó khăn nhất của Ngân hàng VIB đã rơi vào quý 3/2023 và hoạt động kinh doanh sẽ tăng tốc trong năm nay.
Cụ thể, hãng chứng khoán ACB Securities (ABCS) nhận định, mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt cũng như các diễn biến bất lợi của toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng VIB đang có lợi thế đáng chú ý nhờ chi phí vốn ở mức khá thấp so với các đối thủ, bất chấp việc ngân hàng này là một ngân hàng tư nhân bán lẻ có quy mô trung bình.
Trong thời gian qua, Ngân hàng VIB theo đuổi chiến lược tập trung tận dụng một phần nguồn vốn ngắn hạn từ thị trường liên ngân hàng (với lãi suất thấp) với một phần nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức tài chính nước ngoài có lãi suất thấp hơn so với mức huy động trong nước. Chiến lược này cho phép Ngân hàng VIB tiết giảm chi phí vốn tối đa.
Ngoài ra, với việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ có lợi suất cao, giúp cho Ngân hàng VIB đạt được mức NIM và ROE cao hàng đầu hệ thống ngân hàng hiện nay.
Trong khi đó, hãng chứng khoán VNDirect nhận định, chiến lược mới trong cho vay kinh doanh thương mại điện tử sẽ giúp duy trì ROE của Ngân hàng VIB ở mức cao nhất trong ngành.
“Mặc dù P/B hiện tại là 1,35 lần, cao hơn P/B trung bình hiện tại ngành là 1,2 lần, chúng tôi tin rằng Ngân hàng VIB xứng đáng với mức P/B trung bình 5 năm của ngành là 1,55 lần”, hãng chứng khoán VNDirect đánh giá.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 19/1, cổ phiếu VIB đóng cửa ở mức 21.050 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 18% trong 1 tháng trở lại đây.