Ngân hàng Việt hái trái ngọt ở nước ngoài
Nhiều nhà băng đã và tiếp tục có ý định mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh mới, hay nâng vốn cho các ngân hàng con ở nước ngoài. Vậy, việc kinh doanh ở nước ngoài có ổn không mà các ngân hàng Việt vẫn đầu tư?
Theo báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT, tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 149,5 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng đứng thứ hai với 36 triệu USD và chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư.
Làn sóng mạnh dần
Trên thực tế, làn sóng vươn ra thị trường khu vực của các ngân hàng Việt đang có xu hướng mạnh dần. Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, nhiều nhà băng tăng vốn, mở thêm nhiều chi nhánh tại nước ngoài, trong đó Lào, Campuchia và Myanmar là ba thị trường được ưa chuộng nhất của các ngân hàng Việt.
Theo các chuyên gia, lựa chọn ba thị trường này cũng là điều dễ hiểu khi đây không chỉ là những quốc gia láng giềng mà còn có mối quan hệ ngoại giao, thương mại thuận lợi và nhiều điểm tương đồng về văn hóa với Việt Nam.
Đơn cử như tại thị trường Lào, hiện đã có sự góp mặt của nhiều ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, SHB, MB, Sacombank, VietinBank. Hầu hết các nhà băng này đều cho biết đã và tiếp tục có ý định mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh mới, hay nâng vốn cho các ngân hàng con ở nước ngoài.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá, việc có mặt tại nhiều quốc gia là chiến lược mà các định chế tài chính đã vạch ra từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại, kéo theo nhu cầu hội nhập lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư làm ăn tại nhiều nước trên thế giới thì cần có hệ thống ngân hàng đi theo. Do đó, việc các nhà băng muốn mở rộng chi nhánh hoặc gia tăng đầu tư tại nhiều thị trường quốc tế cũng là điều dễ hiểu.
Vậy, việc kinh doanh ở nước ngoài của các nhà băng Việt đang thế nào mà vẫn đầu tư như vậy?
Một chuyên gia trong ngành cho biết, các ngân hàng Việt đang có những tín hiệu tích cực khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Nhìn vào báo cáo của một số ngân hàng có hiện diện tại nước ngoài, việc “làm ăn” tương đối khả quan.
Đơn cử như Ngân hàng BIDV Yangon (Myanmar) chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2016, chủ yếu cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp của Việt Nam và Myanmar. Chỉ trong vòng hơn hai năm hoạt động, BIDV Yangon đã gặt hái được kết quả khả quan.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết tính đến 31/5/2019, Chi nhánh BIDV Yangon có tổng tài sản hơn 130 triệu USD, huy động vốn đạt 46,5 triệu USD, dư nợ bình quân đạt 20 triệu USD, lượng khách hàng DN của chi nhánh cũng đã tăng 27% so với cuối năm 2018.
MBBank hiện có hai chi nhánh tại Lào và Campuchia và một văn phòng đại diện tại Nga. Trong năm qua, kết quả kinh doanh từ nước ngoài của ngân hàng này cũng đã mang về 58 tỷ đồng lãi trước thuế.
Còn VietinBank hiện có hai chi nhánh tại Đức, một ngân hàng con tại Lào và một văn phòng đại diện tại Myanmar. Năm 2018, VietinBank Lào có tổng dư nợ đạt hơn 249,26 triệu USD, tăng gần 22% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 5,87 triệu USD, hoàn thành 104% kế hoạch với tỷ lệ ROE đạt khoảng 7,29%.
Một số ngân hàng đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu hái trái ngọt và có thể xem như là bước đệm để các ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 có ít nhất 2 – 3 ngân hàng Việt nằm trong Top 100 ngân hàng châu Á về tổng tài sản và có 3 – 5 ngân hàng niêm yết ở sàn chứng khoán nước ngoài.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, việc đầu tư ra nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn, khi các ngân hàng Việt mới chỉ bước chân vào những thị trường lân cận như Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar, những khu vực khác còn hạn chế.
Theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, thông thường các nhà băng mở hệ thống chi nhánh tại nước ngoài để theo chân những doanh nghiệp lớn của mình, hoặc nhắm tới các quốc gia có đông đảo người Việt sinh sống. Vì vậy, một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar… sẽ là thị trường ưa chuộng của các ngân hàng Việt.
Ngược lại, một số thị trường châu Âu, Mỹ sẽ khó khăn hơn với các ngân hàng do sự không tương đồng về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh. Đặc biệt, để “bước chân” vào những thị trường này, ngân hàng Việt phải đáp ứng quy định và thủ tục không hề đơn giản.
Đa số ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa hoàn toàn tiệm cận được với các chuẩn mực thông lệ quốc tế chính là trở ngại khó thâm nhập sâu vào những thị trường này.
Ngoài ra, việc mở văn phòng đại diện, hay chi nhánh tại nước ngoài đòi hỏi chi phí rất cao từ việc đầu tư, trả lương cho nhân viên. Để làm được, nhà băng phải có khách hàng lớn, hoạt động ngân hàng đáng kể để có thể bù đắp chi phí và sinh lời. Trong khi đó, số lượng DN Việt đầu tư làm ăn tại thị trường này chưa nhiều. Đó là chưa kể thị trường tài chính – ngân hàng ở những nền kinh tế phát triển có sự cạnh tranh vô cùng lớn.