Ngân hàng Việt vẫn lạc quan
Hiện tại kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, bản thân năng lực tài chính, trình độ quản trị của các ngân hàng cũng ngày càng được củng cố, tiệm cận với chuẩn quốc tế.
Vì sao Moody’s lại xem xét hạ tín nhiệm quốc gia
Vào cuối tuần trước Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo xem xét hạ tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện là Ba3) với lý do chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ. Đồng thời tổ chức này cũng sẽ xem xét về việc hạ xếp hạng của 17 ngân hàng Việt, dù khẳng định, động thái này không phải xuất phát từ sức khỏe ngân hàng, mà hoàn toàn là do ảnh hưởng từ tín nhiệm quốc gia với Việt Nam đang bị tổ chức này xem xét giảm bậc.
Một số ngân hàng nằm trong diện này tỏ ra rất bất ngờ về thông tin trên. Vì thực tế, Moody’s vẫn đánh giá cao sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt. Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, việc Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm với Chính phủ Việt Nam là một quyết định mang tính kỹ thuật hơn là đánh giá về khả năng, năng lực hay triển vọng.
Thực tế, năng lực thanh khoản ngoại tệ Việt Nam đã cải thiện rất mạnh và đang rất vững so với thời điểm đầu năm cũng như những năm trước đây. Hàng loạt tổ chức quốc tế như ADB, WB… thường xuyên có đánh giá về Việt Nam và đều chung nhận định này. Thanh khoản ngoại tệ của quốc gia chưa bao giờ tốt như hiện nay, biểu hiện ở dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, vốn FDI, FII tăng mạnh, thậm chí Ngân hàng Nhà nước phải tung tiền đồng ra mua bớt ngoại tệ vì đang dư cung. “Dựa vào thanh khoản ngoại tệ, lẽ ra Việt Nam phải được nâng bậc chứ không phải hạ bậc”, ông Tùng nhận xét.
Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, đấy là quy trình làm việc rất bình thường của một tổ chức đánh giá độc lập như Moody’s đối với tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng tại nhiều nước trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tất nhiên khi đưa ra thông báo này, Moody’s không có nhận xét gì về Việt Nam thiếu tiền mà hàm ý của họ trong quy trình cách thức phối hợp nội bộ của Việt Nam có vấn đề nên dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ dù các chủ nợ không bị tổn thất.
Có chung suy nghĩ, theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Moody’s là tổ chức đánh giá độc lập, và trong đánh giá của họ có thể chưa hoàn hảo, toàn diện. Nhưng sau động thái này cũng nhắc nhở Việt Nam cần phải cải thiện về tính minh bạch trong cung cấp thông tin.
Dù thông báo của Moody’s mới chỉ là xem xét chứ chưa phải chính thức hạ xếp hạng tín nhiệm, nhưng giới chuyên môn đánh giá thông báo trên đưa ra hơi vội vàng khi chưa chắc chắn về quy trình và cơ chế thanh toán các khoản vay được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.
Điều này, có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Là cơ quan liên quan trực tiếp đến khoản nợ nước ngoài, Bộ Tài chính cho rằng, chỉ trên một sự việc riêng lẻ mà bỏ qua các nỗ lực Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc duy trì bình ổn kinh tế vĩ mô, là chưa thực sự thuyết phục.
Theo Bộ Tài chính, Moody’s cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả mình nợ của Chính phủ. Cơ quan này mong Moody’s sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody’s và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác. Theo Moody’s việc đánh giá dự kiến hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.
Tác động ra sao đối với ngân hàng?
Dù đánh giá chưa toàn diện nhưng theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, từ cảnh báo của Moody’s, Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận lại cải thiện hơn các vấn đề thể chế, thủ tục hành chính, nhất là thông tin phải ngày càng công khai minh bạch hơn và xem đây là một bài học trong ứng xử với bên ngoài.
Theo nhìn nhận của TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát lại các nghĩa vụ nợ của Chính phủ, đồng thời Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan phải trao đổi làm việc với Moody’s để có đánh giá hợp lý và chính xác hơn. “Bộ Tài chính cần phải đẩy nhanh tiến độ làm việc với Moody’s để có kết quả rà soát lại sớm nhất có thể. Nếu không sẽ ảnh hưởng uy tín quốc gia”, TS. Lực cảnh báo và nhấn mạnh, nếu khả năng Moody’s hạ bậc tín nhiệm xảy ra, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều bị ảnh hưởng lớn. Bởi tín nhiệm ngân hàng, doanh nghiệp không thể vượt trần tín nhiệm quốc gia. Chỉ có một vài trường hợp đặc biệt mới có đặc quyền vượt trần đó.
Nếu soi vào tiêu chí trên, chắc chắn không có ngân hàng của Việt Nam vượt trần tín nhiệm quốc gia. Nếu bị hạ tín nhiệm, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn khi kêu gọi vốn ngoại. Vì vậy, trao đổi với phóng viên, phó tổng giám đốc một NHTMCP lớn bày tỏ, chúng ta cần phải chứng minh với họ rằng, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, không có lý do gì để giảm xếp hạng tín nhiệm với quốc gia, doanh nghiệp.
Không phủ nhận những tác động nhất định, nhưng ông Nguyễn Đình Tùng lạc quan cho rằng, ngay cả khi Moody’s hạ tín nhiệm ngân hàng do hạ tín nhiệm quốc gia, không phải nhà đầu tư nào cũng sẽ tăng lãi suất cho vay với ngân hàng Việt. Bởi nếu nhà đầu tư thấy rằng, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm là nguy hiểm cho khoản vay, họ sẽ nâng lãi suất cho vay. Còn nếu họ đánh giá, việc hạ tín nhiệm này chỉ mang tính kỹ thuật có thể họ cũng sẽ không tăng lãi suất cho vay. Vì bản thân các nhà đầu tư cũng sợ mất cơ hội kinh doanh.
Hiện tại kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, bản thân năng lực tài chính, trình độ quản trị của các ngân hàng cũng ngày càng được củng cố, tiệm cận với chuẩn quốc tế. Vì vậy, ông Tùng cho rằng, ảnh hưởng của Moody’s xem xét hạ tín nhiệm với ngân hàng Việt Nam sẽ không nhiều. “Tuy nhiên, các ngân hàng cần quản lý thông tin tốt, giải thích thông tin đúng đắn cho người dân, nhà đầu tư”, ông Tùng lưu ý thêm.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-viet-van-lac-quan-93567.html