Ngăn hiểm họa từ xe điện chở khách du lịch
Xe điện 4 bánh xuất hiện ngày càng phổ biến tại các khu du lịch và một số tuyến đường, phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn.
Hoạt động bát nháo, nhiều rủi ro
Chị Vũ Hoài Trâm (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cùng gia đình vừa đi tham quan tại khu du lịch Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Ba Vì, Hà Nội).
Ngoài vé tham quan, chị phải mua vé xe điện với giá 35.000 đồng/người lớn và 25.000 đồng/trẻ em mới được đi qua cửa soát vé.
Một xe điện tại Hạ Long tự chế thêm thanh chắn bên sườn xe
Vé xe được nhân viên soát vé thu lại, khách chỉ cần đến các điểm dừng đỗ dọc hành trình tham quan để đi xe và không hạn chế số lần đi lại.
Tưởng rằng với mức giá này, khách du lịch sẽ được di chuyển thoải mái bằng xe điện, thế nhưng chị Trâm ám ảnh mãi vì chuyện đi lại: “Vé không ghi số xe, chỗ ngồi và bị thu lại nên cứ có xe đến là mọi người ào lên giành chỗ, xe nào cũng lèn kín người, rất khổ sở”.
Chẳng riêng khu du lịch trên, anh Phạm Văn Thoan (TP Phủ Lý, Hà Nam), người từng đi xe điện ở một số khu du lịch nhận xét, loại xe này hoạt động lộn xộn, có nhiều rủi ro về an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải.
“Các khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Hạ Long (Quảng Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Bái Đính (Ninh Bình)… cũng có loại xe này. Tôi để ý thấy một số xe ở những nơi trên không có biến số, tem đăng kiểm, ghế ngồi không có dây đai an toàn và xếp khách “không còn chỗ hở””, anh Thoan nói.
Khảo sát của PV cho thấy, loại hình xe điện 4 bánh chở khách hiện phổ biến ở nhiều địa phương, hoạt động trên các đường phố có hoạt động du lịch hoặc bên trong các khu du lịch. Không ít xe không có biển số đăng ký, tem đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận đăng kiểm quá hạn.
Đặc điểm chung của loại xe này là dài trên dưới 2m, có mái che, gồm 4 - 5 hàng ghế, hở hai sườn và phía sau, với hàng cuối quay ngược về phía sau. Xe chạy bằng điện, với ca bin lái kết cấu như xe ô tô, song các ghế ngồi không có dây đai an toàn.
Theo Cục Đăng kiểm VN, loại phương tiện này là “xe chở người 4 bánh có gắn động cơ”, hiện đang được quản lý theo quy định tại Thông tư số 86/2014 của Bộ GTVT.
Cụ thể, xe chạy bằng động cơ, có hai trục, ít nhất 4 bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái).
Điều kiện để phương tiện hoạt động chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người lái phải có GPLX hạng B2 trở lên. Khi tham gia giao thông chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian nhất định, theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Khi tham gia giao thông, loại xe này phải chấp hành quy tắc giao thông như xe ô tô dưới 15 chỗ ngồi.
Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN, trường hợp phương tiện hoạt động không đúng phạm vi được địa phương quy định hoặc không đáp ứng điều kiện trên là vi phạm.
Quy định niên hạn, lắp giám sát hành trình
Xe điện tại khu du lịch Tam Chúc không đăng ký, đăng kiểm, giá vé đi xe là 50.000 đồng
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xe điện 4 bánh chở người, hiện nội dung dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi, đang được Bộ GTVT lấy ý kiến rộng rãi) bổ sung quy định đối với xe chở người 4 bánh, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình vận tải này.
Theo đó, xe điện 4 bánh phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của xe ô tô nói chung như: Hệ thống lái, phanh; vô lăng bên trái; đèn chiếu sáng; lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; dây đai an toàn, kính chắn gió đạt chuẩn an toàn.
“Dự thảo quy định xe điện 4 bánh sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải cũng có niên hạn sử dụng như ô tô. Đồng thời, quy định các tiêu chí đối với xe tham gia kinh doanh vận tải”, ông Đặng Trần Khanh cho biết.
Cụ thể hơn, theo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), xe điện 4 bánh (nói riêng, xe gắn động cơ 4 bánh nói chung) chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải và chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mới được kinh doanh vận tải bằng loại xe này.
Khi hoạt động, loại xe này phải đáp ứng các điều kiện: Có đăng ký, đăng kiểm, trên xe có thiết bị giám sát hành trình và niêm yết tên, điện thoại của đơn vị vận tải; người điều khiển phải có GPLX ô tô tương ứng với số người được phép chở.
Ủng hộ luật hóa quản lý vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ nói chung và xe điện 4 bánh nói riêng, song ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nên quy định phù hợp hơn với một số trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Xe điện 4 bánh nếu chỉ chở khách trong phạm vi giao thông nội bộ một khu du lịch khác với xe tham gia giao thông trên đường công cộng. Vì vậy, cần nghiên cứu, để quy định phù hợp về lắp thiết bị giám sát hành trình để tránh gây khó khăn cho kinh doanh vận tải”, ông Thanh nêu ví dụ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Loại hình xe điện 4 bánh chở khách tham quan, du lịch trong phạm vi hạn chế được thí điểm triển khai từ năm 2010. Hiện có 35 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho hoạt động thí điểm loại phương tiện này (xe điện, xe gắn động cơ xăng).
Gần đây, sau khi hoạt động vận tải được mở cửa trở lại để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, vận tải khách du lịch bằng xe điện 4 bánh sôi động trở lại.
Để đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự vận tải, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp xe điện vi phạm các quy định hiện hành.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ngan-hiem-hoa-tu-xe-dien-cho-khach-du-lich-d554161.html