'Ngàn năm mây trắng': Sức hút mãnh liệt của nghệ thuật truyền thống
Tối 9/10, vở 'Ngàn năm mây trắng' được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và gây được tiếng vang lớn.
Ngàn năm mây trắng là tác phẩm của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần 4 (diễn ra từ 4-13/10 tại Hà Nội, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức).
Ngàn năm mây trắng được xây dựng từkịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và NSND Triệu Trung Kiên - Phó GĐ Nhà hát Cải lương Việt Nam đồng đạo diễn.
Vở diễn có sự tham giả của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng các nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài TNVN.
Vở Ngàn năm mây trắng được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lấy cảm hứng từ sự tích Hòn vọng phu Tô Thị. Tuy nhiên, vở kịch giảm bớt tính bi thương trong cốt truyện cổ, chỉ giữ lại điều điều quan trọng nhất là tâm thế chờ chồng (đi chiến trận) và ở niềm tin vào tình yêu vốn bất tử.
Trên hành trình nàng Tô Thị đi tìm chồng, tác giả dẫn khán giả đến với ba cảnh khác nhau. Cách làm này không chỉ tạo nên kịch tính, sự hấp dẫn của vở kịch mà còn có thể lồng ghép các loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, hát xẩm, dân ca Huế vào một cách nhuần nhuyễn và hợp lý.
Những làn điệu đậm đà bản sắc nhất trong kho tàng âm nhạc Việt được hòa trộn trên sân khấu hài hòa, uyển chuyển, không khiên cưỡng.
Khi công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 9/10, khán giả dành cho vở diễn những tràng pháo tay không ngớt. Họ thực sự cảm thấy mãn nguyện với vở diễn mà lần đầu tiên có thể kết hợp cả 4 loại hình nghệ thuật gồm: Chèo, cải lương, ca Huế và hát xẩm.
Thành công của Ngàn năm mây trắng chứng tỏ, các loại hình nghệ thuật dân tộc vẫn có sức sống mãnh liệt trong khán giả.