Ngăn Nga tấn công Ukraine bằng đòn trừng phạt lớn, Mỹ chưa lường hết hậu quả
Các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà Mỹ đe dọa áp đặt với Nga nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược Ukraine có thể tàn phá nền kinh tế Nga, nhưng cũng sẽ khiến Mỹ và phương Tây chịu nhiều đau đớn.
Bước sang năm thứ 2 của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với một loạt thách thức lớn: lạm phát gia tăng, sự xuất hiện của biến thể mới khiến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, các chương trình nghị sự bị đình trệ do sự chia rẽ tại Quốc hội, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tại Đông Âu - nơi căng thẳng với Nga gia tăng do việc Moscow tăng cường triển khai quân đội đến biên giới Ukraine. Nếu không tìm ra giải pháp đúng đắn, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.
Tiềm ẩn những rủi ro về kinh tế và chính trị
Trên thực tế, Mỹ có rất ít đòn bẩy để đối phó với Nga trong bối cảnh các đồng minh châu Âu đang chia rẽ trước lập trường ngày càng cứng rắn của Điện Kremlin. Để ngăn Nga tấn công Ukraine, một trong những chiến lược mà Washington nghĩ đến đầu tiên là áp đặt trừng phạt mạnh tay với Moscow.
Chính quyền Biden ngày 28/1 cảnh báo sẽ cùng các đồng minh châu Âu áp đặt trừng phạt kinh tế cứng rắn chưa từng có nếu Nga tấn công Ukraine, trong đó nhắm mục tiêu vào những ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga.
Tuy vậy, chiến lược này có thể đi kèm với những rủi ro về kinh tế và chính trị. Từ trước đến nay, chưa một quốc gia nào ban hành các biện pháp trừng phạt rộng rãi với các tổ chức tài chính lớn và với một nền kinh tế có quy mô lớn như Nga. Giới phân tích nhận định, phản ứng “nhanh chóng và nghiêm khắc” mà Washington đe dọa thực hiện, có thể làm chao đảo những nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở châu Âu, thậm chí đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Một số nhà phân tích cũng cảnh báo về vòng xoáy leo thang căng thẳng tiềm tàng.
Trong khi ông Biden và các đồng minh châu Âu đang cố gắng gửi thông điệp răn đe Tổng thống Putin bằng những cuộc đàm phán cứng rắn, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu họ có sẵn sàng thực hiện biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất nếu quân đội Nga tấn công Ukraine hay không.
Tổng thống Biden tuyên bố sẽ không điều quân đến Ukraine tham chiến. Thay vào đó, Mỹ cố gắng tìm kiếm một biện pháp trừng phạt có thể giáng đòn mạnh vào Nga. Song nhiều quan chức Mỹ cho biết, Washington không có kế hoạch nhắm mục tiêu vào ngành xuất khẩu khí đốt khổng lồ của Nga bởi điều này sẽ gây mâu thuẫn với đồng minh châu Âu và làm tăng giá xăng dầu tại Mỹ khi mà người dân đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát cũng như giá nhiên liệu tăng cao.
Cơn ác mộng đối với thị trường tài chính của Nga
Mỹ và châu Âu từng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt với Nga sau sự kiện Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát, chủ yếu nhằm vào giới tinh hoa của Nga, cùng các quan chức và tổ chức mà Washington cáo buộc liên quan đến hành động gây hấn chống lại Ukraine. Nhưng những biện pháp nói trên chỉ tạo ra một lực cản khiêm tốn đối với sự phát triển của nền kinh tế Nga và không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nước này.
Các quan chức Mỹ cho biết, tác động của lệnh trừng phạt mà Washington đe dọa thực hiện ở thời điểm này sẽ khác xa so với những biện pháp trước đây. Theo đó, Mỹ đang tìm cách giáng đòn mạnh vào trụ cột trong hệ thống tài chính của Nga, nhằm cắt đứt đầu tư nước ngoài, ngăn chặn hoạt động bán trái phiếu chính phủ, ngăn cản việc cung cấp công nghệ cho các ngành công nghiệp quan trọng và đóng băng tài sản của những nhân vật thân cận với ông Putin.
Thiệt hại thực sự với nền kinh tế 1,5 nghìn tỷ USD của Nga sẽ đến từ việc trừng phạt các ngân hàng nhà nước lớn nhất hay các quỹ đầu tư trực tiếp của chính phủ Nga. Ông Edward Fishman, chuyên gia thuộc Hội đồng Atlantic, người từng làm việc về các biện pháp trừng phạt Nga dưới thời Obama cho rằng: “Nếu chính quyền Biden hiện thực hóa lời đe dọa trừng phạt các ngân hàng lớn của Nga thì toàn bộ nền kinh tế Nga sẽ chịu hậu quả và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân”.
Anders Aslund, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, Mỹ cũng có thể áp đặt biện pháp nhằm ngăn các tổ chức tín dụng nước ngoài cho Nga vay vốn. Ông nhận định, mặc dù Nga đã thực hiện các bước đi đáng kể để giảm sự phụ thuộc vào các khoản nợ nước ngoài, nhưng biện pháp này có thể làm giảm giá đồng rúp, rung chuyển thị trường chứng khoán và đóng băng giao dịch trái phiếu.
Chuyên gia Anders Aslund ước tính, các lệnh trừng phạt năm 2014 đã làm giảm 3% mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nga và lệnh trừng phạt mới có thể tạo ra nhiều thách thức hơn nữa. Người dân Nga có thể chứng kiến giá thực phẩm và quần áo hàng ngày tăng vọt, nghiêm trọng hơn, điều đó sẽ khiến các khoản lương hưu và khoản tiết kiệm bị mất giá nghiêm trọng do sự bất ổn trên thị trường tài chính của Nga.
Nhà kinh tế học người Nga Sergey Aleksashenko nhận định: “Đây sẽ là một thảm họa và một cơn ác mộng đối với thị trường tài chính trong nước”. Ông lưu ý, đồng rúp đã giảm 10% giá trị so với đồng USD trong bối cảnh các cuộc thảo luận về biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày càng gia tăng.
Hiệu ứng ngược
Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa tính đến việc áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, vốn là nền tảng cơ bản của nền kinh tế Nga. Các nước châu Âu phụ thuộc vào khí đột tự nhiên của Nga và một số đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Đức muốn Washington kiềm chế để không làm gián đoạn ngành năng lượng Nga.
Giới phân tích cho rằng, vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại nền kinh tế Nga chính là biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế khả năng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của nước này. Đây có lẽ sẽ là biện pháp răn đe hiệu quả nhất để ngăn Nga tấn công Ukraine, nhưng chúng sẽ khiến Mỹ và châu Âu chịu tổn thương sâu sắc.
Chuyên gia Maria Snegovaya, thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho rằng: “Phương Tây sẽ phải chấp nhận đau thương nếu mục tiêu chính của họ là ngăn cản bước tiến của ông Putin. Tại Mỹ, lạm phát đã tăng cao chưa từng có trong suốt 30 năm qua. Và bất cứ hành động nào chống lại Nga cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi giá dầu mỏ và khí đốt”.
Trong những năm gần đây, nhiều biện pháp trừng phạt đối với một số tổ chức và cá nhân của Nga đã gây ra những hậu quả khôn lường khiến chính phủ Mỹ phải đắn đo suy nghĩ. Vào tháng 4/2018, Bộ Tài chính đã đưa Oleg Deripaska, một tỷ phú Nga có quan hệ gần gũi với ông Putin, và 6 nhà tài phiệt khác vào danh sách đen. Lệnh trừng phạt đã khiến giá nhôm toàn cầu tăng vọt vì ông Deripaska là chủ sở hữu tập đoàn Rusal – nhà sản xuất xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới. Sau đó, Mỹ phải gỡ bỏ trừng phạt nhân vật này vào tháng 12/2018.
Nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi về việc Tổng thống Putin sẽ đáp trả ra sao nếu Mỹ thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất với nước này. Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là nhà phân tích của RAND Corporation cho rằng: “Nếu Nga phải chiến đấu với lệnh trừng phạt mạnh tay chưa từng có kể từ Thế chiến thứ 2, họ nhiều khả năng sẽ đáp trả”. Ông Charap nhận định, Nga có có thể trả đũa “cú đánh về mặt kinh tế” bằng cách tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và các tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng có thể cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu.
Chưa kể, nỗi đau do các lệnh trừng phạt gây ra có thể thúc đẩy làn sóng bài Mỹ trong lòng nước Nga, khiến người dân nơi đây ngày càng ủng hộ Tổng thống Putin. Cần phải nhắc lại rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Triều Tiên và Iran trước đó nhằm buộc các nước này thay đổi hành vi đôi khi dẫn đến những kết quả không mong muốn./.