Ngán ngẩm vì kết nối 5G, nhiều người dùng Hàn Quốc quay về với 4G
Mạng di động 5G lớn nhất thế giới đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ khách hàng vì chất lượng kém, kết nối chậm và thiếu ứng dụng phù hợp với tiêu chuẩn mới.
Theo tạp chí Financial Times, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G từ hồi tháng 4/2019. Đến cuối tháng 8/2020, trên 8,6 triệu người Hàn Quốc đã đăng ký chuyển sang dịch vụ mạng mới, chiếm 11,3% người sử dụng điện thoại di động tại quốc gia.
Dựa trên tính toán của cơ quan quản lý GSMA, số lượng người sử dụng mạng 5G lớn gấp 14 lần số người Mỹ nhờ những chiến lược marketing dồn dập từ phía các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như các gói hỗ trợ hào phóng.
Trước đó, theo báo cáo của công ty theo dõi dữ liệu mạng Opensignal công bố ngày 20/10, tốc độ truy cập mạng 5G tại Hàn Quốc nhanh thứ 2 thế giới, đạt mức trung bình 336,1 Mbps. Trong thời gian tiến hành cuộc khảo sát trên từ 1/7 đến 28/9, Opensignal xác định được tốc độ truy cập mạng 5G tại Hàn Quốc nhanh gấp 5,6 lần so với tốc độ truy cập mạng 4G (60,5 Mbps).
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại phàn nàn về lời cam kết Internet đạt tốc độc nhanh, cũng như họ thường xuyên gặp phải tình trạng tín hiệu yếu và kết nối kém. Báo Nhật Asia Nikkei cho biết Hàn Quốc đang chứng kiến một bộ phận khách hàng hủy hợp đồng để quay lại với các công nghệ cũ hơn.
“Tải phim qua mạng 5G có vẻ nhanh hơn điện thoại 4G nhưng không nhanh như tôi mong đợi. Và tôi cũng đã gặp phải một số vấn đề kết nối trong một số khu vực”, một nhân viên văn phòng tại một công ty viễn thông chia sẻ.
Các nhà phân tích giải thích vì không có đủ các trạm phát để phủ sóng toàn quốc nên việc truyền tín hiệu và kết nối 5G gặp trục trặc.
Ông Kim Young-woo tại công ty cung cấp dịch vụ tài chính SK Securities cho hay: “Số lượng trạm phát không đáp ứng đủ nhu cầu. Các nhà khai thác cần nhanh chóng mở rộng đầu tư cơ sở vật chất để giải quyết vấn đề này”.
Theo số liệu ước tính của chính phủ, các nhà khai thác Hàn Quốc như KT Corp, SK Telecom và LG Uplus đã chi ít nhất 2,6 tỷ USD trong năm 2019 cho công nghệ 5G do quốc gia này đặt nhiều hy vọng vào công nghệ mới để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Mạng 5G được kỳ vọng sẽ cung cấp một đường kết nối tốc độ cao mới cho phép triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến hơn như trí tuệ nhân tạo, lái xe tự hành, công nghệ thực tế ảo...
Các nhà khai thác viễn thông đang tìm cách cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách xây dựng thêm các trạm phát và phát triển những chương mới. Số liệu của chính phủ chỉ ra các nhà khai thác đã xây dựng khoảng 109.000 trạm phát 5G trên khắp đất nước, chỉ bằng 1/8 số trạm 4G.
Cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh để giành thị phần lớn hơn trên thị trường 5G dự kiến sẽ gia tăng trong một vài năm tiếp theo. Các đối thủ Trung Quốc dự kiến tham gia cuộc đua sản xuất điện thoại kết nối 5G với giá cả phải chăng hơn. Tháng 10 vừa qua, Apple đã ra mắt chiếc iPhone kết nối 5G đầu tiên trong khi Samsung cũng đã đi trước với mẫu điện thoại 5G vào tháng 8/2019.