Ngán ngẩm với rào chắn

Đi lại những ngày cuối năm vốn đã khó khăn bởi phương tiện tăng cao, người dân ở các tuyến đường cửa ngõ TP HCM càng khổ sở hơn vì rào chắn án ngữ

Tuy số lượng rào chắn tại TP HCM có giảm so với những năm trước nhưng một số công trình có rào chắn nhếch nhác, vi phạm quy định an toàn thi công, gây bức xúc cho người dân.

Người dân bức xúc

Sáng 14-12, đoạn đường Lương Định Của gần ngã tư giao với đường Trần Não (TP Thủ Đức) bề ngang chừng 8 m, rào chắn án ngữ gần 1/2 mặt đường khiến xe máy, ôtô và xe tải xếp hàng dài "chôn chân" ở đoạn hơn 100 m rào chắn.

Ông Trần Tú (ngụ đường Lương Định Của) cho biết khoảng năm 2015, gia đình ông bàn giao gần 20 m (chiều sâu) để phục vụ mở rộng đường lên 30 m, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Thế nhưng, gần 7 năm, mặt đường nhiều chỗ đã xuống cấp, ngập úng nhưng dự án vẫn còn dang dở, không biết khi nào xong.

"Sau nhiều năm, hết "lô cốt" này đến "lô cốt" khác được dựng lên, lượng xe đi lại lớn nên thường xuyên ùn ứ, khói bụi, việc buôn bán quán ăn của gia đình tôi ế ẩm theo" - ông Tú than vãn.

Rào chắn trên đường Võ Văn Ngân thường xuyên gây ùn ứ giao thông. Ảnh: ANH VŨ

Rào chắn trên đường Võ Văn Ngân thường xuyên gây ùn ứ giao thông. Ảnh: ANH VŨ

Cũng tại TP Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân đoạn gần ngã ba Chương Dương, một dãy hàng rào tôn quây vòng được đặt giữa đường, bên trong ngổn ngang vật liệu xây dựng, lòng đường mỗi bên chỉ còn khoảng 2,5 m. "Trong quá trình thi công, nhà thầu rất cẩu thả khi để máy móc, thiết bị tràn ra đường, vỉa hè" - anh Thái Hồ Long (ngụ đường Võ Văn Ngân) bức xúc nói.

Rào chắn trên thuộc dự án thay thế cống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5 km, thi công từ tháng 10-2020, do Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh. Đầu tháng 12-2022, nhà thầu bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tước giấy phép thi công trong 2 tháng.

Công trình thi công hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Xuyên Á - Tô Ngọc Vân (từ đường Lê Văn Khương, quận 12 đến đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức)..., đơn vị thi công cho dựng nhiều rào chắn, đất đá vương vãi, một số đoạn đường lởm chởm, ổ gà.

Đoạn Quốc lộ 1 từ phường Thạnh Lộc (quận 12) đến chân cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) có 4 rào chắn dựng lên khá sơ sài, đất đá vương vãi, một số bảng thi công công trình rách nát. Đây là dự án do BQL dự án 1 thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV làm chủ đầu tư. Tháng 8-2022, Sở GTVT TP HCM cũng có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh công tác tổ chức thi công.

Chấn chỉnh ngay

Theo ông Lê Văn Thường, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, công tác thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án được thực hiện thường xuyên. Tính đến tháng 11-2022, toàn thành phố còn 79 vị trí rào chắn trên 51 tuyến đường, nhiều nhất tại TP Thủ Đức với 52 vị trí và rải rác từ 4-6 vị trí ở các huyện Bình Chánh, quận 6, 8 và Bình Tân...

Để bảo đảm an toàn giao thông tại các công trình có rào chắn dịp cuối năm, Thanh tra Sở GTVT sẽ tăng cường tuần tra xử lý, nhắc nhở. Song song đó, kiến nghị Sở GTVT có văn bản gửi các chủ đầu tư tăng cường trách nhiệm và giám sát các nhà thầu, không để việc thi công gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Là chủ đầu tư dự án lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Xuyên Á - Tô Ngọc Vân, đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV cho biết tuyến ống cấp 1 dài 12 km, khởi công từ tháng 6-2022, dự kiến hoàn tất toàn tuyến quý III/2023. Qua phản ánh của người dân, chủ đầu tư đã nhắc nhở nhà thầu và đề nghị khắc phục.

"Những vị trí rào chắn trên Quốc lộ 1 được Sở GTVT cấp phép có thời hạn đến ngày 14-1-2023, tuy nhiên theo yêu cầu của sở thì tất cả rào chắn sẽ được tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng trước ngày 14-1-2023 để người dân đi lại dịp Tết" - đại diện chủ đầu tư cho hay.

Về tiến độ dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) cho biết công trình hiện đã thi công xong phần hầm hở của nhánh hầm cho hướng lưu thông từ KCX Tân Thuận về huyện Bình Chánh.

Riêng phần hầm kín của nhánh này đã thi công được trên 1/3 chiều dài, còn gần 2/3 đang vướng tuyến điện cao thế ngầm và các tuyến ống cấp nước lớn cắt ngang. Nhánh hầm còn lại cho hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh về KCX Tân Thuận sẽ được thi công chậm nhất sau khi bồi thường di dời xong hạ tầng kỹ thuật ngầm tại nút giao.

"Lãnh đạo TP HCM đã họp tháo gỡ, dự kiến hoàn thành việc di dời hạ tầng vào tháng 6-2023. Chủ đầu tư và nhà thầu đều muốn đẩy nhanh tiến độ thi công vì càng chậm trễ, nhà thầu phải bù lỗ do trượt giá. Sau khi bị Sở GTVT nhắc nhở, nhà thầu đã tái lập mặt đường lồi lõm" - đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho hay.

Tương tự, công trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) đang chờ giải quyết thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng từ địa phương, khi có mặt bằng, chủ đầu tư cùng nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án.

Xử phạt 27 trường hợp

Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở GTVT đã nhắc nhở 74 trường hợp, lập biên bản 27 trường hợp vi phạm với số tiền 152 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là nhà thầu thi công không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở đường hẹp; để vật liệu thi công ngoài phạm vi thi công cản trở giao thông; không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong...

ANH VŨ - THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/ngan-ngam-voi-rao-chan-20221223203825416.htm