Ngăn ngừa hỏa hoạn tại các quán karaoke thế nào?
Chỉ một sơ suất nhỏ trong việc sử dụng thiết bị điện cũng có thể dẫn đến cháy lớn. Chỉ cần lơ là công tác phòng cháy, chữa cháy cũng có thể khiến nhiều người thiệt mạng. Do đó, nếu phòng cháy, chữa cháy mà không xuất phát từ tự ý thức phòng ngừa mà chỉ mang tính đối phó thì hậu quả là không thể đo đếm.
Những nguyên nhân dễ thấy
Câu hỏi lâu nay mà nhiều người đặt ra là: Tại sao rất hay xảy ra các vụ cháy quán karaoke và khi xảy ra thường không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn thiệt hại nặng về người? Hoặc, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã bị đình chỉ, nhưng tại sao vẫn có khách, chỉ đến khi “cháy nhà mới ra sự thật”?
Sở dĩ, cơ sở kinh doanh karaoke thường hay xảy ra cháy hơn loại hình kinh doanh khác, và khi đã cháy thường cháy lan, cháy lớn là bởi đây là loại hình kinh doanh đòi hỏi hạ tầng đặc biệt. Để có một phòng hát, chủ nhân phải làm hệ thống cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như xốp, mút, nhựa, nilon… Nếu đúng một phòng hát theo tiêu chuẩn thì phải được xây dựng, thiết kế, thẩm duyệt ngay từ ban đầu.
Còn hiện tại, các quán karaoke ở Hà Nội hay bất cứ một địa bàn nào đều được hoán cải từ các ngôi nhà thiết kế để ở. Khi chủ nhân chưa sử dụng thì cho thuê kinh doanh karaoke, hoặc ở quán karaoke thuê mặt bằng rồi dựng nhà khung thép để kinh doanh. Từ sự thiếu thiết kế đúng quy chuẩn ban đầu dẫn đến quá trình cải tạo chắp vá đã khiến xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ. Cơ sở hạ tầng được thiết kế tự phát, mỗi lúc lắp một thứ, ý thức chủ kinh doanh đã kém cùng với sự quan của khách đến hát là nguyên nhân dẫn đến cháy và tử vong.
Thực trạng mà chúng ta dễ nhận thấy nhất đó là khách vào hát karaoke thường trong tình trạng có hơi men, sự tỉnh táo hạn chế, thậm chí có nhiều người say mềm. Sự hỗn loạn trong âm thanh, ánh sáng ở không gian chật hẹp vốn chỉ có duy nhất một cánh cửa để ra vào, thì còn khó để đi lại chứ nói gì đến khi xảy ra sự cố. Đã vậy, khi xảy cháy thì hệ thống điện chiếu sáng thường bị mất, môi trường bỗng trở nên tối đen thì rất khó tìm hướng thoát nạn.
Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke thường có từ 20 - 40 nhân viên phục vụ. Họ thường được bố trí ở trong một phòng nằm tại góc “chết” của cơ sở kinh doanh, hoặc ở nơi cao nhất của tòa nhà… Điển hình là vụ cháy khiến 32 người tử vong tại quán karaoke An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương vào 20h30 ngày 6-9. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, phòng của nhân viên tập trung tại tầng 3 và khuất phía sau các phòng hát. Vì ở đường cùng nên lối thoát nạn đối với các vị trí này rất khó khăn, thậm chí sẽ bị bịt bởi khói nếu xảy cháy.
Tất cả những tồn tại, thực trạng tiềm ẩn về hỏa hoạn ở quán karaoke như đã nói trên đều được cơ quan chức năng nhận diện, điểm mặt. Nhưng sự lơ là, bất chấp hậu quả và chỉ đặt lợi nhuận lên trên của chủ cơ sở khiến việc chấp hành các quy định PCCC chỉ mang tính chiếu lệ, qua loa nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Thậm chí, từ ý thức chấp hành quy định an toàn PCCC kém đã dẫn tới tình trạng các cơ sở bị đình chỉ do không đủ điều kiện an toàn cháy, nổ.
Tuy nhiên, vẫn do bài toán lợi nhuận nên nhiều quán vẫn cố tình hoạt động chui. Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Chế tài mạnh nhất và hiệu quả nhất không chỉ là biện pháp đình chỉ từ cơ quan chức năng mà còn cần phải có sự giám sát của chủ cơ sở và ý thức của chính khách hàng. Nếu ý thức chấp hành kém, chủ nhân chỉ vì lợi nhuận thì dù có bị xử lý nhưng họ vẫn sẽ lén lút hoạt động”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Kể từ khi xảy ra vụ cháy khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh tại quán karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy và vụ cháy tại karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương gây thiệt hại nghiêm trọng về người, đã có nhiều ý kiến phân tích nên hay không tiếp tục để tồn tại loại hình kinh doanh này? Nhiều chuyên gia cho rằng, một căn nhà 5 - 7 tầng vốn thiết kế để ở, nhưng chủ nhà cho thuê để kinh doanh karaoke và chứa đến hàng chục người thì không khác gì cái… tổ tò vò.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke, nhưng 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC. Trong số đó có 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa thực hiện nên đã bị xử lý vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động. Có 326 cơ sở không đạt yêu cầu về công tác PCCC, không có khả năng khắc phục và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã ra quyết định đình chỉ 100% các cơ sở này. Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) khẳng định, đơn vị cương quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm và cần sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương để giám sát việc chấp hành quyết định đình chỉ của các cơ sở vi phạm.
Hiện, CATP Hà Nội đã mở cao điểm thực hiện kiểm tra 100% các quán karaoke, giám sát chặt các cơ sở đang bị đình chỉ hoạt động. Đợt cao điểm kiểm tra PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke sẽ kết thúc vào ngày 20-9, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tổng hợp, rà soát các cơ sở vi phạm mà chưa khắc phục, gửi danh sách cho cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải công khai để mỗi người dân cùng giám sát với cơ quan chức năng.
Đa dạng biện pháp tuyên truyền
Trong nhiều ngày qua, UBND các quận nội thành đã chủ động phối hợp cùng CATP Hà Nội kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke thuộc địa bàn mình quản lý. Đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa hỏa hoạn. Ghi nhận đến nay, CAQ Long Biên đã tổ chức 8 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH, 14 lớp tuyên truyền PCCC với khoảng 500 người tham dự và phối hợp tổ chức 24 buổi thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại cơ sở và khu dân cư. Qua đó giúp người dân, cán bộ của doanh nghiệp, nhân viên quán karaoke tiếp cận được các nội dung cơ bản trong công tác PCCC như các nguyên nhân, điều kiện thường xảy ra cháy nổ, các biện pháp phòng cháy, quy trình tổ chức cứu chữa một vụ cháy, công tác cứu nạn cứu hộ trong đám cháy.
Quận Ba Đình cũng vừa tổ chức “Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cấp cơ sở” đầu tiên tại Hà Nội cho cán bộ PCCC của 14 phường trên địa bàn, trong đó tất cả các chủ quán karaoke đều có mặt tham gia. CAQ Hà Đông phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức “Hội nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lực lượng công an phường trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC”. Hiện, CAQ Hà Đông đã tổ chức bàn giao 497 cơ sở kinh doanh, quán karaoke, nhà hàng, quán bia… cho cấp phường quản lý và tiếp tục hướng dẫn UBND các phường, công an các phường thực hiện công tác nắm tình hình. Thiếu tá Vũ Hồng Linh - Phó trưởng CAQ Hà Đông cho biết: “Việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm của UBND các cấp như vậy sẽ giúp cho công tác PCCC được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả từ cấp cơ sở, tạo nền móng vững chắc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong công tác PCCC, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận”.
Trong tối ngày 8 và rạng sáng 9-9, CAQ Hai Bà Trưng và CAQ Đống Đa đã tổ chức kiểm tra hoạt động PCCC tại những quán karaoke trên địa bàn. Trung tá Nguyễn Hải Hưng - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Hai Bà Trưng cho biết: “Đơn vị quản lý 25 cơ sở kinh doanh karaoke, qua kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở tồn tại vấn đề về diện tích phòng hát, số phòng hát và lối thoát nạn thứ hai vi phạm trật tự xây dựng… Đơn vị đã yêu cầu phải giải quyết triệt để mới được hoạt động”. Còn Thiếu tá Trần Khắc Tuân - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH , CAH Thanh Trì cho biết: “Huyện có 14 cơ sở karaoke đã bị đình chỉ và đang tiếp tục theo dõi và giám sát. Ngoài ra, việc các quán karaoke tháo biển và có hoạt động chui cũng được giao công an xã phối hợp cùng quần chúng nhân dân giám sát nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định”.
Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu: “Cảnh sát PCCC và CNCH phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, tổ chức các mô hình PCCC tại cơ sở, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân để hạn chế các vụ cháy nhiều hơn. Để phòng ngừa cháy nổ tại quán karaoke, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục tham mưu cho CATP, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành các văn bản, tổ chức các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với tình hình thực tế địa bàn và theo lĩnh vực quản lý. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về PCCC. Cơ bản giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác PCCC liên quan đến quản lý quán karaoke thời gian qua”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ: Cơ sở karaoke đã hoạt động lén lút thì rất khó nhận biết
“Khi xảy ra cháy cơ sở kinh doanh karaoke, việc đầu tiên người dân thường đặt câu hỏi là cơ quan chức năng quản lý như thế nào mà để hậu quả như vậy. Thực tế, với cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là những người được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại cơ sở hiện đang gặp phải những vấn đề khó khăn. Với chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phối hợp với ban ngành xử lý vi phạm, nhưng trên thực tế việc xử lý đối với loại hình kinh doanh này còn hạn chế. Bởi đình chỉ hoạt động khi cơ sở vi phạm, nhưng họ có hoạt động hay không thì rất khó nhận biết, chỉ đến khi xảy ra hậu quả mới hay.
Dịch vụ karaoke thường hoạt động về tối hoặc đêm khuya. Có khi sau cuộc nhậu đến 12h đêm khách mới bắt đầu tìm nơi để hát, xả rượu bia, trong khi thời gian đó, lực lượng chức năng không thể kiểm soát được, ngoại trừ tin tưởng vào ý thức chấp hành của chủ cơ sở. Do đó, những quán bị đình chỉ hoạt động vẫn lén lút đón khách là như vậy. Những tình trạng đang tồn tại này đang là thách thức trong công tác quản lý cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện”.
Ông Vũ Đình Thuận - Tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Phương Mai, quận Đống Đa: Thiết kế cơ sở hạ tầng phải là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh karaoke
“Tôi nhận thấy sự quyết liệt, kiên quyết của các cấp, các ngành khi xử lý vi phạm về PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke. Đặc biệt là sau khi xảy ra vụ cháy khiến 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh và gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke khiến 32 người tử vong xảy ra ở tỉnh Bình Dương, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã mở đợt cao điểm kiểm tra, tăng cường xử lý nhằm chấn chỉnh loại hình dịch vụ kinh doanh này để giảm thiểu cháy nổ cũng như thương vong. Sự kiên quyết đã thấy rõ qua các vụ đình chỉ, xử lý. Nhưng theo tôi, để có tính hiệu quả lâu dài thì phải xuất phát từ ý thức chấp hành, sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Để điều này đi vào thực tiễn cần có chiến lược đồng bộ về hạ tầng cơ sở kinh doanh, dần có quy định không cho các cơ sở thuê mặt bằng, nhà dân để hoạt động kinh doanh karaoke. Sự đồng bộ hạ tầng cộng với ý thức chấp hành của chủ cơ sở sẽ là giải pháp hạn chế, giảm thiểu số vụ cháy quán karaoke”.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-ngua-hoa-hoan-tai-cac-quan-karaoke-the-nao-post517218.antd