Ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Việt Nam, được đánh giá là tỉnh có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên thành lập từ trước khi Luật Đa dạng sinh học ra đời.

 Một bụi chuối bị bệnh chùn ngọn tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Một bụi chuối bị bệnh chùn ngọn tại thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.

Hiện nay, ở Hà Giang, theo Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức lãnh thổ, đã phát hiện được 17 loài trong số 19 loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TT-TNMT. Danh sách các loài ngoại lai xâm hại hiện có ở Hà Giang: Nấm gây bệnh thối rễ; virus gây bệnh chùn ngọn chuối; virus gây bệnh cúm gia cầm; bọ cánh cứng hại lá dừa; ốc bươu vàng; ốc sên châu Phi; tôm càng đỏ; cá ăn muỗi; cá tỳ bà bé; cá tỳ bà lớn; rùa tai đỏ; bèo tây; cây ngũ sắc; cỏ lào; cúc liên chi; trinh nữ móc; trinh nữ thân gỗ.

Theo kết quả điều tra, trong tổng số 195 xã, phường thuộc 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang, có 13 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố chưa phát hiện được loài ngoại lai xâm hại. Số lượng loài ngoại lai xâm hại xuất hiện ở các xã, phường cũng khác nhau, một số xã chỉ có một loài, nhưng cũng có đến hai xã và một thị trấn, mỗi địa phương đều có đến 12 loài sinh vật ngoại lai xâm hại. Một vài loài ngoại lai xâm hại chỉ tập trung ở một số vùng, ví như nấm gây bệnh thối rễ, chủ yếu tập trung xã trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt) thuộc các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Ngược lại, có những loài phân bố tương đối rộng. Ví như virus gây bệnh chùn ngọn chuối. Đặc biệt là ốc bươu vàng, một trong những loài ngoại lai xâm hại được đánh giá là nguy hiểm nhất. Tại Hà Giang, ốc bươu vàng có mặt ở hầu hết các ruộng lúa nước. Ốc bươu vàng có thời gian ngủ, nghỉ đông kéo dài tới 6 tháng. Vào thời gian ruộng không có nước, ốc bươu vàng sống tiềm sinh, đợi khi ruộng có nước sẽ ngay lập tức hoạt động trở lại.

Để quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại ở Hà Giang có hiệu quả cần thực hiện các biện pháp cơ bản, như: Ngăn ngừa nhằm giảm thiểu, loại trừ sự du nhập của loài sinh vật ngoại lai (du nhập không chủ đích và có chủ đích bất hợp pháp), phát hiện sớm sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại và áp dụng những biện pháp thích hợp nhằm trừ diệt tận gốc trước khi loài sinh vật ngoại lai đó có thể tạo lập quần thể và lan rộng. Bên cạnh đó, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có sức chống chịu cao; làm giàu thiên địch (các loài tự nhiên có khả năng tiêu diệt sinh vật ngoại lai xâm hại), tạo điều kiện cho thiên địch phát triển và nhân giống. Biện pháp này dựa trên cơ sở sinh thái học không chỉ tiêu diệt được sinh vật ngoại lai xâm hại mà còn góp phần tăng năng suất, cải thiện phẩm chất, giảm độc hại đối với sản phẩm.

Bài và ảnh: TS LÊ TRẦN CHẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ngan-ngua-kiem-soat-sinh-vat-ngoai-lai-xam-hai-o-ha-giang-610529