Ngăn ngừa nguy cơ đuối nước tại các bãi tắm tự phát

Khi thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiều người dân ở Hà Nam tìm đến những bãi tắm tự phát như sông, hồ và ao để giải nhiệt mùa hè. Phần lớn trẻ em tham gia tắm hoặc tự tập bơi mà không có sự quản lý của người lớn cho nên đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối thương tâm. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc phòng, chống đuối nước cho người dân; tăng cường công tác quản lý các bãi tắm tự phát trên địa bàn.

Khi thời điểm nắng nóng kéo dài, nhiều người dân ở Hà Nam tìm đến những bãi tắm tự phát như sông, hồ và ao để giải nhiệt mùa hè. Phần lớn trẻ em tham gia tắm hoặc tự tập bơi mà không có sự quản lý của người lớn cho nên đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối thương tâm. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc phòng, chống đuối nước cho người dân; tăng cường công tác quản lý các bãi tắm tự phát trên địa bàn.

Trời nắng nóng 380 đến 390C, nhưng từ khoảng 16 đến 17 giờ hằng ngày, khi nắng còn gay gắt, bãi tắm tự phát ở hồ Lam Hạ, TP Phủ Lý rất đông người đến tắm mát, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. Người chưa biết bơi thì quanh quẩn gần bờ, còn người biết bơi thì ra giữa hồ nơi có độ sâu khoảng hai đến ba mét. Qua tìm hiểu, từ trước đến nay tại đây chưa có trường hợp nào đuối nước xảy ra cho nên nhiều người chủ quan. Chiều nào bố con nhà anh Nguyễn Thanh Hải cũng đến hồ Lam Hạ để bơi. Anh Hải cho biết: Hồ tự nhiên từ khi được thành phố cải tạo, kè lại bờ, có nhiều người đến bơi vào mùa hè. Nhà tôi gần hồ, nên chiều nào cũng cho con ra bơi cùng. Ở đây lâu tôi biết các điểm nông sâu của hồ, nên thấy cũng khá yên tâm. Tuy nhiên, để cẩn thận hơn, tôi vẫn cho con mặc áo phao.

Khoảng 17 giờ chiều, dưới cái nắng chang chang như đổ lửa của đợt nắng nóng cao điểm, một tốp học sinh khoảng lớp 6, lớp 7 bỏ lại xe đạp bên vệ đường, chạy ùa đến hồ Lam Hạ để bơi. Bỏ vội cặp sách, quần áo và giày dép trên bờ, các em cùng nhau nhảy tùm xuống hồ vùng vẫy. Khi được hỏi tại sao đang nắng nóng như thế này mà các em đã xuống tắm, lại không có áo phao? Các em hồn nhiên trả lời, tranh thủ vừa đi học về trời thì nóng cho nên đến đây tắm một lúc rồi về kẻo bố mẹ biết sẽ bị mắng! Các em biết về sự nguy hiểm của việc đi tắm tự do không có sự quản lý của bố mẹ tại các sông, hồ, nhưng vì đây là những bãi tắm tự do, không có ai quản lý nên các em đến bơi bất chấp sự nguy hiểm tiềm ẩn.

Hà Nam là tỉnh có nhiều ao, hồ và bốn con sông chảy qua, từ đó hình thành rất nhiều các bãi tắm tự phát. Do là các bãi tắm tự phát, công tác quản lý và cảnh báo nguy cơ đuối nước còn bỏ ngỏ. Đây cũng là nguyên nhân thường xảy ra tai nạn chết đuối thương tâm của nhiều trẻ nhỏ và là nỗi lo của mỗi gia đình.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam, hằng năm số trẻ chết đuối trên địa bàn tỉnh rất đáng báo động. Cụ thể, năm 2018 trên toàn tỉnh xảy ra 27 trường hợp; năm 2019 là 17 trường hợp; còn sáu tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 12 trường hợp. Tất cả các trường hợp chết đuối đều ở trong độ tuổi từ 4 đến 14 và chủ yếu là xảy ra ở cộng đồng với những bãi tắm phát sinh. Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ do bản tính hiếu động, tò mò của trẻ và sự bất cẩn, thiếu giám sát, quản lý con em mình từ các gia đình. Một nguyên nhân nữa từ sự quản lý chưa sát sao các bãi tắm, hồ bơi tự phát của chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với đó là sự thiếu hụt kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân, các bậc phụ huynh... Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Xác định vấn đề phòng, tránh đuối nước cho trẻ em, nhất là dịp hè luôn là vấn đề quan tâm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Những năm gần đây đã có sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng. Chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành, các địa phương nhằm giảm đến mức thấp nhất việc xảy ra đuối nước với trẻ em. Tham mưu với UBND tỉnh giao trách nhiệm đoàn thanh niên và ngành giáo dục đưa công tác tập huấn, công tác phòng, chống đuối nước vào chương trình ngành giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, phát động tháng cao điểm phòng, chống đuối nước vào dịp hè, tăng cường kiểm tra, giám sát các bãi tắm tự phát.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng đầu tư lắp đặt các bể bơi thông minh tại các trường, các trung tâm văn hóa, thể thao bằng nguồn vốn xã hội hóa; tổ chức các lớp dạy bơi, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa cắm biển cấm tắm hoặc cảnh báo nguy hiểm, chưa bố trí lực lượng tuần tra. Nhằm hạn chế xảy ra những tai nạn đáng tiếc do đuối nước, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc tắm mát và phòng, chống đuối nước tại các ao, hồ, sông; tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên triển khai các hoạt động phòng ngừa đuối nước của trẻ thông qua hướng dẫn cách loại bỏ nguy cơ đuối nước trẻ em; hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ; tập huấn cho giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn; tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường tiểu học. Quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra về các quy định an toàn tại bể bơi, hồ bơi công cộng, bãi tắm tự phát, tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên về triển khai liên ngành trong phòng, chống đuối nước trẻ em.

Đào Phương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ngan-ngua-nguy-co-duoi-nuoc-tai-cac-bai-tam-tu-phat--609793/