Ngăn ngừa những cái chết do lá ngón
ĐBP - Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn, nhưng những năm gần đây số người ăn lá ngón tự tử trên địa bàn huyện Điện Biên Đông vẫn chưa giảm.
Cán bộ huyện Điện Biên Đông tổ chức truyền thông về phòng, chống tự tử bằng cây lá ngón cho học sinh xã Phì Nhừ.
Những cái chết đau lòng
Anh Chá Khua Xìa (bản Keo Lôm 2, xã Keo Lôm), đã hai lần phải chịu nỗi đau người thân mất vì ăn lá ngón tự tử. Đầu tiên là vợ anh, chị Lầu Thị Khua ăn lá ngón tự tử năm 2014. Nỗi đau mất vợ chưa kịp nguôi ngoai thì 3 năm sau, con gái lớn là Chá Thị Vương (SN 2005) cũng ăn lá ngón kết thúc cuộc đời. Cả hai mẹ con tìm đến cái chết bởi những lý do đơn giản đến mức chẳng ai nghĩ tới. Anh Chá Khua Xìa kể lại: “Năm con gái học lớp 6 thì bị ốm, vợ bảo đưa vào viện khám nhưng mình bảo để sáng mai mới đưa đi, thế là hai vợ chồng cãi nhau. Sáng hôm sau mình đưa con đi khám, vợ ở nhà ăn lá ngón, lúc phát hiện ra thì chết rồi. Đến năm 2017, hai bố con đi Phình Giàng ăn tết. Tuy nhiên, do có việc nên mình về trước và bảo con về thì nó không chịu về. Sáng hôm sau đã nghe tin nó ăn lá ngón tự tử”.
Không chỉ gây ra cái chết cho chính mình và để lại sự đau buồn cho người thân, vấn nạn tự tử bằng lá ngón còn gây ra nỗi ám ảnh, tâm lý bất ổn cho những người đang sống. Như trường hợp của anh Vừ A Chơ, bản Tìa Ló B, xã Noong U (chồng nạn nhân Giàng Thị Dí), dù vợ đã về thế giới bên kia, nhưng anh vẫn chưa hết dằn vặt, khổ sở trước cái chết của vợ. Đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng anh vẫn bàng hoàng trước sự ra đi của vợ mình. Chỉ vì xích mích mà vợ anh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại hai con nhỏ. Mới đây nhất (tháng 2/2020), do mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với chồng trong cuộc sống hàng ngày, chị Lò Thị Xuân (bản Na Hay, xã Tìa Dình) đã ăn lá ngón tự tử. Khi người dân phát hiện, đưa đi cứu chữa thì đã quá muộn.
Theo thống kê, trung bình hàng năm huyện Điện Biên Đông có khoảng 100 người tự tử bằng lá ngón. Trong đó, có nhiều trường hợp phát hiện thì đã tử vong. Những trường hợp được phát hiện, điều trị kịp thời giữ được tính mạng, song cũng phải gánh chịu những di chứng do tác hại từ độc tố có trong lá ngón. Điều đáng nói là trước đây phần lớn những trường hợp tìm đến lá ngón đều là phụ nữ dân tộc Mông trong độ tuổi rất trẻ với những lý do hết sức giản đơn, lãng xẹt thì gần đây, số người tự tử bằng lá ngón cũng có nhiều trường hợp là người dân tộc Khơ Mú, Thái. Trong tổng số 36 trường hợp tự tử bằng lá ngón trong 2 tháng đầu năm nay thì có 7 trường hợp là người dân tộc Thái. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử cũng muôn hình, vạn trạng, như: Vợ chồng cãi nhau; giận bố mẹ; bố mẹ quát mắng, không cho đi chơi, không cho yêu nhau; không có tiền mua điện thoại; cãi nhau với bạn…
Những bản làng, nếp nhà tưởng chừng rất bình yên ở Điện Biên Đông vẫn xảy ra nhiều trường hợp người dân tìm đến lá ngón tự tử. Trong ảnh: Một góc bản Huổi Múa A, xã Keo Lôm.
Nỗ lực nâng cao nhận thức
Để ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón, những năm qua cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã trăn trở tìm giải pháp hạn chế, ngăn chặn mối họa này. Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Huyện đã và đang quyết tâm thực hiện “cuộc chiến” loại bỏ thứ cây chết chóc ấy ra khỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí huyện đưa việc giảm tỷ lệ tự tử bằng lá ngón vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị để phấn đấu thực hiện. Đồng thời, huy động người dân, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của lá ngón. Mới đây nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Điện Biên Đông phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông về phòng chống tự tử bằng cây lá ngón cho học sinh trên địa bàn huyện. Tương tự, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức truyền thông và ra mắt mô hình cam kết “Thay đổi nhận thức nhằm giảm thiểu tự tử bằng lá ngón” trên địa bàn. Tại các buổi truyền thông, các thành viên tham gia mô hình, hội viên, phụ nữ và người dân đã được nghe các nội dung: Thực trạng nạn tự tử bằng lá ngón; nguyên nhân và các giải pháp nhằm giảm thiểu các vụ việc tự tử bằng lá ngón; mục đích, ý nghĩa thành lập mô hình cam kết “Thay đổi nhận thức nhằm giảm thiểu tự tử bằng lá ngón”… nhằm từng bước thay đổi nhận thức về cây lá ngón, nhận biết rõ giá trị của bản thân, giá trị của cuộc sống. Từ đó mỗi thành viên mô hình sẽ trở thành một tuyên truyền viên tại cộng đồng góp phần phòng ngừa, giảm tình trạng tự tử bằng lá ngón trên địa bàn.
Bên cạnh đó, những năm qua đã có nhiều chương trình, dự án truyền thông nhằm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân cũng được triển khai trên địa bàn huyện, như: Dự án Tầm nhìn thế giới; dự án giảm tử vong mẹ; dự án HeMa về chăm sóc sức khỏe cho người nghèo tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (trong đó có tỉnh Điện Biên)... Đặc biệt là Dự án Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF), với hợp phần “Nâng cao hiểu biết và năng lực thực thi pháp luật nhằm đẩy lùi nạn tự tử bằng lá ngón ở đồng bào dân tộc Mông huyện Điện Biên Đông”. Các dự án chú trọng tới kỹ năng sống và đưa vào hương ước trong cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa luật tục và pháp luật. Mỗi dự án đều có cách thức và nội dung tiếp cận khác nhau, song mục đích cuối cùng là tác động được nhiều nhất đến người dân, nhằm thay đổi hành vi, nhận thức. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, tình trạng tự tử bằng lá ngón vẫn diễn biến phức tạp: Năm 2017, toàn huyện có 82 trường hợp tự tử bằng lá ngón, 27 trường hợp tử vong, đến năm 2019, toàn huyện xảy ra 109 vụ, trong đó số người chết chiếm gần 1 nửa. Trong 2 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 36 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Các xã ghi nhận có nhiều ca tự tử bằng lá ngón nhất là: Pú Hồng, Phì Nhừ, Xa Dung, Háng Lìa, Keo Lôm, Noong U…
Tại huyện Điện Biên Đông, cây lá ngón mọc khắp núi đồi, xung quanh các thôn bản, thậm chí ngay sát nhà dân. Bởi vậy việc nhổ bỏ được hết cây lá ngón là điều gần như không thể. Điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức để người dân không còn coi nhẹ mạng sống của mình.