Ngăn ngừa, phòng chống buôn lậu động vật hoang dã

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam có xu hướng diễn biến phức tạp trở lại. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ, đặc biệt là trên tuyến đường biển và đường hàng không. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng liều lĩnh, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi.

Lực lượng hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ lô hàng chứa 7,6 tấn ngà voi châu Phi. Ảnh: Hà Thái.

Lực lượng hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ lô hàng chứa 7,6 tấn ngà voi châu Phi. Ảnh: Hà Thái.

Số lượng vận chuyển ngày càng lớn

Thời gian qua, hàng loạt các vụ buôn bán, vận chuyển vẩy tê tê, sừng tê giác, ngà voi và nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã vào Việt Nam qua 3 tuyến đường chính. Đường bộ tập trung cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), một số cửa khẩu trên địa bàn Nghệ An, Cha lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Tà Nùng (Cao Bằng). Tuyến đường biển qua cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Hải Phòng. Tuyến hàng không gồm sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Ngay vào dịp sau Tết Nguyên đán 2023, lợi dụng thời điểm lễ tết, các đối tượng đã tìm cách đưa hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn ngà voi nhập lậu từ châu Phi về khu vực cảng Hải Phòng. Đơn cử như vụ bắt 490 kg ngà voi, lô hàng được đưa về Việt Nam ngày 22/1/2023 (tức 29 Tết), còn thời điểm mở tờ khai vào 28/1 (rơi vào thứ 7 và mùng 7 tết Quý Mão, chỉ 1 ngày sau thời điểm đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết).

Hay vụ việc bắt giữ 7,6 tấn ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi được Cục Hải quan Hải Phòng phát hiện. Hàng hóa khai báo ban đầu là hạt, xuất phát từ Angola, vận chuyển qua Singapore rồi sau đó mới cập cảng Hải Phòng. Đây là vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép ngà voi lớn nhất từ trước tới nay.

Gần đây nhất, lực lượng chức năng tại Nghệ An đã phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng đang vận chuyển trái phép 1 cá thể hổ, trọng lượng 235 kg, thuộc danh mục loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trước đó, Nghệ An cũng từng phát hiện vụ tàng trữ, vận chuyển số lượng lớn động vật hoang dã, quý hiếm có nguồn gốc từ Lào; bắt 2 đối tượng, thu giữ 72 cá thể rùa đầu to và tê tê.

Những dẫn chứng nói trên là những ví dụ điển hình cho thấy tình hình buôn lậu đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động buôn lậu, nhất là hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp hơn, bởi các đường dây tội phạm quốc tế sẽ tìm mọi cách để “tiêu thụ hàng tồn” trong thời gian đại dịch.

Giải pháp đối phó nhiều thủ đoạn tinh vi

Nhìn lại những vụ việc đã bị bắt giữ, xử lý gần đây có thể thấy, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng nhiều thủ đoạn mới hết sức tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Tráng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, các đối tượng đã vận chuyển hàng qua các cảng trung gian để che giấu nguồn gốc. Một số trường hợp, các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi như: đưa vào các khối gỗ và có những chất chống lại các hoạt động soi chiếu của cơ quan hải quan.

Cá biệt, có trường hợp giấu ngà voi, sừng tê giác cắt nhỏ đóng trong hộp thịt, cá đông lạnh hoặc đúc trong các khối thạch cao. Ngoài ra, đối tượng thường khai sai tên hàng, đích đến và địa chỉ không rõ ràng. Khi bị đánh động, các đối tượng bỏ hàng.

Đối phó với các thủ đoạn tinh vi, việc chủ động và quyết liệt triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đang được ngành Hải quan đặt ra cho toàn lực lượng. Các giải pháp được đặt ra là trang thiết bị hiện đại, sự tích cực, chủ động trong việc thu thập nắm bắt thông tin; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước là những công cụ hiệu quả để đấu tranh, triệt xóa buôn lậu nói chung, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nói riêng.

Với những trang thiết bị hiện đại được ngành cung cấp, đặc biệt là hệ thống máy soi container, cũng như tăng cường quản lý rủi ro của cơ quan hải quan và sự phối hợp với các ngành thì việc vận chuyển động vật hoang dã qua các cửa khẩu cảng biển nói chung sẽ được kiểm soát kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đơn vị đã ban hành các kế hoạch trong diện rộng toàn ngành cũng như phối hợp với các lực lượng (công an, biên phòng, Interpol) để triển khai kịp thời thông tin, tụ điểm, đối tượng, sàng lọc, đánh trúng, đánh đúng.

Tội phạm liên quan đến động vật hoang dã được đánh giá là loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có sự liên kết với các loại tội phạm khác như rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng. Do đó, giới chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị rằng, để giải quyết triệt để tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn nằm ở năng lực và sự quyết tâm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc đảm bảo bắt giữ đối tượng cầm đầu; cũng như hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các hình phạt thích đáng cho những đối tượng này.

Các cơ quan chức năng cần tận dụng thông tin từ những vụ thu giữ ban đầu để thu thập bằng chứng và xây dựng chuyên án với mục tiêu bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu để có thể tiến tới xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới toàn cầu.

Hệ lụy từ buôn bán lậu sản phẩm từ động vật hoang dã

Hoạt động buôn bán lậu các sản phẩm từ động vật hoang dã làm tăng nguy cơ tuyệt chủng các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên được bảo vệ tại Việt Nam; làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế do bị đánh giá là nơi trung chuyển động vật hoang dã từ các quốc gia châu Phi tới các quốc gia lân cận.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-ngua-phong-chong-buon-lau-dong-vat-hoang-da-136658-136658.html