Ngăn ngừa sai phạm từ vụ Phúc Sơn, Thuận An

Ngày 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.

ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) nêu tình trạng vừa qua có một số dự án đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong đấu thầu. Ông Bình chất vấn Tổng KTNN về nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng nêu các vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An cho thấy có sự câu kết của doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước với cán bộ trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản nhà nước. Ông Cường đề nghị Tổng KTNN cho biết qua các vụ việc này, KTNN có kiến nghị gì để tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: LÂM HIỂN

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: LÂM HIỂN

Trả lời ĐB, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đơn vị được kiểm toán là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công. Do đó, một số vụ án lớn liên quan đấu thầu như vụ án Phúc Sơn và Thuận An có sai sót trong đấu thầu nhưng các DN này không có vốn nhà nước nên không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, do có liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn nhà nước nên KTNN phải rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan đến đấu thầu để kiến nghị xử lý.

Đề cập thông tin 19 vụ án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được KTNN chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp xem xét, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng con số này còn hạn chế, đề nghị Tổng KTNN làm rõ các hạn chế là do đâu, định hướng giải pháp khắc phục trong thời gian tới thế nào?...

Trả lời ĐB, ông Ngô Văn Tuấn thông tin trong 5 năm qua đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, ngoài kiến nghị chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng, đơn vị còn cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra sang cơ quan điều tra. Với phương châm thận trọng, phải "chín", phải rõ mới chuyển; cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng điều tra, đưa ra ánh sáng hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trả lời chất vấn của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) về hướng xử lý những hành vi tham nhũng nhưng vẫn bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, Tổng KTNN cho rằng cần làm tốt 3 việc. Trước tiên, cần xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Thứ hai, cần xây dựng thiết chế nhằm phát hiện, xử lý nghiêm để không dám tham nhũng. Thứ ba, xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp để không cần tham nhũng. Về hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, theo Tổng KTNN, có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu và chỉ đạo chưa sâu sát. Ông nêu giải pháp: Cần nâng cao ý thức, trình độ; hoàn thiện thể chế; quy định rõ quyền, nghĩa vụ cùng chế độ đãi ngộ đối với từng vị trí công chức, viên chức để gắn trách nhiệm với quyền lợi.

Băn khoăn khi vẫn tồn tại hành vi tiêu cực của kiểm toán viên, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) chất vấn Tổng KTNN về tình trạng khi phát hiện sai phạm, có một số kiểm toán viên gợi ý chia chác khoản tiền sai phạm để bỏ qua theo phương châm "đôi bên cùng có lợi". Về việc này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn thừa nhận có tham nhũng, tiêu cực trong ngành kiểm toán nhưng rất ít. Theo người đứng đầu KTNN, đây chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Ông khẳng định cơ quan kiểm toán kiên quyết loại bỏ để giữ đạo đức, chuẩn mực công vụ. Thời gian qua, đơn vị đã rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của cá nhân. "Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, bảo đảm hoạt động kiểm toán công tâm, khách quan" - ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) chất vấn về giải pháp giúp các DN đăng ký với KTNN để "được kiểm toán" thay vì "bị kiểm toán". Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định nhận thức rõ vai trò của cơ quan kiểm toán trong xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, thời gian qua, KTNN được rất nhiều địa phương mời vào kiểm toán. Căn cứ vào nguồn lực, nhiệm vụ Quốc hội giao, KTNN cân nhắc đưa vào kế hoạch hằng năm để kiểm toán theo yêu cầu của địa phương, bộ ngành và DN.

Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngan-ngua-sai-pham-tu-vu-phuc-son-thuan-an-196240605214849944.htm