Ngăn ngừa sự cố y khoa

Rửa tay đúng cách, đúng thời điểm là một trong những biện pháp hữu hiệu của nhân viên y tế nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Theo GS-TS - Anh hùng Lao động Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mọi hệ thống y tế, dù nguồn lực ở mức nào, đều đặt chất lượng dịch vụ và an toàn người bệnh lên ưu tiên hàng đầu. Song y học là khoa học chẩn đoán và bất định, có tính xác suất; bệnh viện là nơi có nhiều rủi ro với người bệnh lẫn nhân viên y tế. Vậy, làm thế nào để ngăn ngừa sự cố y khoa?

GS Trần Quỵ nói rằng sai sót và tai biến “thường trực” mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình huống, trên mọi thiết bị, trong mọi quy trình, ở mỗi cá nhân, mỗi cơ sở khám chữa bệnh. Đây là một vấn đề toàn cầu chứ không riêng quốc gia nào. Tại Mỹ, ước tính trong 1 triệu người bệnh nhập viện mỗi ngày có 320.000 trường hợp nhầm lẫn về thuốc. Tại Úc, ước tính hàng năm có 18.000 ca tử vong do sự cố y khoa. Tỉ lệ này tại Nhật, Pháp, Anh… cũng khá cao. Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi, tỉ lệ này càng cao. Tại Việt Nam, sự cố y khoa cũng đã xảy ra từ lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh nhưng chưa có con số thống kê cụ thể. “Ngày càng có nhiều sự cố y khoa, trong đó kỹ thuật càng cao thì sự cố y khoa càng dễ xảy ra”, GS Trần Quỵ nói.

Tại hội thảo, tập huấn “Triển khai và xây dựng hướng dẫn về an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa” do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh mới đây, bác sĩ Vũ Đình Huy, chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay vẫn tồn tại công tác chăm sóc y tế không an toàn do nhiều nguyên nhân: hệ thống y tế phức tạp, có xu hướng mắc lỗi; trang thiết bị ngày càng hiện đại, thuốc men nhiều và phức tạp trong sử dụng; nhân viên y tế chịu nhiều áp lực; quá tải bệnh viện, cơ sở hạ tầng chưa tốt; thiếu nhân lực; điều kiện vệ sinh kém; thiếu trang thiết bị…

Trong các nguyên nhân gây sự cố y khoa, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu, sau đó là nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (nhầm vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai - chậm, phác đồ - quy trình không cập nhật. Bên cạnh đó, tình trạng nhầm người bệnh, sao chép sai vẫn xảy ra. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ thủ tục hành chính rườm rà, nhân viên y tế tắc trách và những sự cố không mong muốn khác như té ngã, bị bỏng, điện giật… Tuy nhiên, gần 50% sự cố có thể phòng ngừa được.

Sự cố y khoa thường xảy ra ở nơi phẫu thuật (chiếm 40-50%), nơi lần đầu áp dụng kỹ thuật mới, nơi bệnh nhân là trẻ sơ sinh, người già, nơi cường độ lao động cao… Khi xảy ra sự cố y khoa, mọi ánh mắt, định kiến dồn vào thầy thuốc. Có sai sót thì thầy thuốc phải chịu. Chính vì định kiến này mà nhiều người nói: bệnh do thầy thuốc gây nên. Trên thực tế, theo WHO, lỗi do thầy thuốc chỉ chiếm 30%, còn 70% là do lỗi hệ thống. Vì vậy, muốn ngăn ngừa, hạn chế sự cố y khoa thì phải chú ý cả hai nguyên nhân, đặc biệt là lỗi hệ thống.

Khi xảy ra sự cố y khoa, tâm lý chung là… che giấu. Nội bộ nhóm, khoa hoặc nội bộ bệnh viện “đóng cửa” giải quyết. Theo các chuyên gia y tế, đấy là sai lầm. Việc cần làm là công khai, tìm nguyên nhân gốc (do con người hay do thiết bị, do cá nhân hay do hệ thống…) và xử lý, giải quyết, khắc phục đến nơi đến chốn.

Theo GS Trần Quỵ, để giảm sai sót, sự cố y khoa thì phải đảm bảo an toàn người bệnh, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam. Người bệnh an toàn, hài lòng; thầy thuốc cũng tránh được rủi ro nghề nghiệp. Bác sĩ Vũ Đình Huy cho rằng cần có sự tham gia tích cực của bệnh nhân và người nhà của họ vào quá trình điều trị, cung cấp đầy đủ, chính xác bệnh sử. Nhân viên, lãnh đạo cơ sở y tế cần đưa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tham gia vào quá trình chăm sóc, làm việc cùng nhau, vì an toàn người bệnh. Đội ngũ thầy thuốc thường xuyên nâng cao kiến thức về an toàn người bệnh, tạo môi trường văn hóa an toàn và cởi mở khi chăm sóc người bệnh.

“Cần đưa người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia vào quá trình chăm sóc, làm việc cùng nhau vì an toàn người bệnh; thường xuyên học tập nâng cao kiến thức an toàn người bệnh; tạo nên môi trường văn hóa an toàn và cởi mở khi chăm sóc người bệnh; không đổ lỗi và thẳng thắn nhìn nhận khi có sự cố y khoa”.

Bác sĩ Vũ Đình Huy, chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/230427/ngan-ngua-su-co-y-khoa.html