Ngăn ngừa tà đạo, tạo 'sức đề kháng'
Trước sự nở rộ trở lại của tà đạo, đạo lạ thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật.
Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ hoạt động trở lại
Sau một thời gian dài tưởng chừng Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ không còn đất sống khi bị cả xã hội lên án, tẩy chay, mới đây, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về việc Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ tiếp tục hoạt động trở lại tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Thanh Hóa...
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua theo nắm bắt của lực lượng Công an, toàn tỉnh có khoảng 500 người đang hoạt động trong tổ chức này với 16 điểm sinh hoạt, tập trung phần ở Thành phố Thanh Hóa. Trước tình hình hoạt động phức tạp của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, lực lượng Công an trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái pháp luật của tổ chức này.
Theo Trung tá Lê Duy Dũng, Trưởng phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện tại cơ cấu tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức tự xưng Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ đã được các cơ quan điều tra, nắm rõ; các đối tượng cầm đầu, cốt cán, số người tham gia sinh hoạt cũng được nắm bắt để có biện pháp đấu tranh, xử lý. Lực lượng Công an đang tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ và đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật của tổ chức này theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, và của pháp luật Việt Nam.
Giữa tháng 5, Công an Thành phố Thái Nguyên phối hợp với phường Tân Lập kiểm tra, phát hiện tại số nhà 537 (tổ 12, phường Tân Lập) có hoạt động truyền đạo trái pháp luật, thu giữ một số tài liệu liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ... Công an thành phố chỉ đạo công an các phường, xã rà soát tất cả điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ để đấu tranh trực diện; kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân không tin, nghe theo tổ chức này.
Trước đó, ngày 29.4, Công an thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý 1 điểm nhóm tổ chức hoạt động liên quan Hội thánh này tại khu đô thị Đồng Sơn, tổ 10, phường Trưng Trắc. Tại xã Đắk Ha, Đắk Glong, Đắk Nông cũng phát hiện nhóm tà đạo này mời gọi, lôi kéo đồng bào Mông trên địa bàn tham gia qua mạng xã hội...
Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ hiện chưa được công nhận hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn lén lút tiếp cận người dân để truyền đạo trái phép. Theo cảnh báo của Bộ Công an, các hoạt động của Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ quay trở lại với chiêu thức và thủ đoạn tinh vi hơn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, gây nhiều hệ lụy cho người tham gia và gia đình những người có người thân mù quáng tin theo.
Về tận nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động
Ngoài Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới mang đậm chất tà đạo, tạp đạo như đạo bà Điền, đạo Dừa, Thanh Hải vô thượng sư, Tà đạo Hà Mòn, Bà Cô Dợ, Tin Lành Đề Ga, Dương Văn Mình, Giáo hội Phật giáo vũ trụ, Đạo Trời Thái Bình... Công tác vận động tuyên truyền được coi trọng nhằm huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này, tạo “sức đề kháng” mạnh mẽ trước các đạo lạ.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện tượng tôn giáo San sư khẻ tọ (còn có tên gọi khác là Cơ đốc ba ngôi), thâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng xấu đến truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Dao như: những người tin theo phải bỏ phong tục tập quán của dân tộc, phải dỡ bỏ bàn thờ cúng tổ tiên, một số còn hoạt động lén lút và gây nên những bức xúc trong cộng đồng… Để hạn chế tác động tiêu cực của hiện tượng tôn giáo này, các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong tháng 6.2023, thực hiện đợt cao điểm của huyện Mèo Vạc, Hà Giang, về phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn, các xã, thị trấn tích cực xuống cơ sở tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trước kia theo tà đạo San sư khẻ tọ quay về phong tục, tục quán truyền thống. Sau hơn 1 tháng, Công an huyện phối hợp với Công an xã, cấp ủy chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động thành công hơn hàng chục hộ gia đình...
Tại Điện Biên, 22/29 xã biên giới có hoạt động tôn giáo và nhìn chung, các cơ sở, tín đồ tôn giáo cơ bản chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động tôn giáo thuần túy, xuất hiện một số người tin theo các tà đạo, đạo lạ như: Bà cô Dợ; Lời sự sống Việt Nam; đạo Hoa Long; An bình hạnh phúc... Các huyện biên giới đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tà đạo, không để phát sinh mới...
Tại Lai Châu, trước hoạt động lôi kéo người dân theo tà đạo bà Cô Dợ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phương thức hoạt động của tà đạo này; nắm chắc địa bàn bị ảnh hưởng, số lượng người tin theo, số người đứng đầu để kịp thời có biện pháp xử lý, giải quyết triệt để. Đặc biệt, cán bộ về tận nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các tà đạo, đạo lạ không có ở Việt Nam, chưa được Nhà nước công nhận...
Các hoạt động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các hoạt động truyền đạo trái phép sẽ kịp thời ngăn chặn hoạt động của các tà đạo, các đối tượng lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.