Ngăn ngừa vi phạm về pháo: Tăng cường giải pháp, kịp thời phát hiện
Từ đầu năm đến nay, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật về pháo nổ. Dự kiến trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, công an toàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện vi phạm; vận động người dân chấp hành quy định của pháp luật về pháo.
Một đối tượng vận chuyển, mua bán pháo trái phép bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ (Ảnh: PX03)
Số vụ phát hiện tăng
Nhằm chủ động phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về pháo nổ, Giám đốc Công an (CA) tỉnh đã chỉ đạo áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn; lập chốt đấu tranh, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ trong 1 tháng ra quân thực hiện cao điểm tấn công tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 (15-12- 2023 đến 15-1-2024), các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 18 vụ với 23 đối tượng liên quan đến pháo. Trong đó mua bán pháo trái phép 2 vụ, 3 đối tượng; vận chuyển 5 vụ, 6 đối tượng… Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 3 vụ, 3 đối tượng; xử phạt hành chính 7 vụ, 8 đối tượng và đang xác minh làm rõ các vụ việc còn lại.
Qua đánh giá nhận thấy hiện nay các vụ tàng trữ, vận chuyển pháo nổ với số lượng ngày càng lớn. Cụ thể như mới đây, vào ngày 23-1, khi CA huyện Bàu Bàng kiểm tra nơi ở của đối tượng Nguyễn Phúc Đ. (SN 1989, ngụ Xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng) liên quan đến hành vi tàng trữ ma túy thì phát hiện nhiều thùng giấy, bên trong có chứa các loại pháo nổ không rõ nguồn gốc với trọng lượng khoảng 227,5kg. Trước đó, vào đầu tháng 1-2024, CA TP.Dĩ An đã phối hợp kiểm tra và phát hiện, tạm giữ đối tượng Lê Văn T. (SN 1990, quê Nghệ An) đang vận chuyển, tàng trữ lượng pháo khoảng 150kg.
Chỉ trong một tháng cao điểm, số pháo là tang vật thu giữ qua các vụ việc tăng hơn 142kg so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó cả năm 2023, CA toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 16 vụ, 19 đối tượng liên quan đến pháo. Qua điều tra đã khởi tố 6 vụ, 7 đối tượng; xử phạt hành chính 10 vụ, 12 đối tượng. So với năm 2022, số lượng pháo thu giữ tăng.
Cần phân biệt các loại pháo để không vi phạm
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần phân biệt pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa để tránh vi phạm pháp luật. Theo đó, pháo nổ có chứa thuốc pháo nổ, gây ra tiếng nổ. Một số loại pháo nổ thường thấy như pháo bi, pháo cối, pháo bánh, pháo tép...
Pháo hoa nổ có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa. Khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Một số loại pháo hoa nổ thường thấy như pháo hoa nổ do lực lượng quân đội bắn vào đêm giao thừa hàng năm; các loại pháo dàn, hộp 36 hoặc 48 quả mà một số đối tượng đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian.
Pháo hoa có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng màu sắc trong không gian. Pháo hoa không gây tiếng nổ. Một số loại pháo hoa thường thấy như que, nến, pháo bông khi đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc mà không có tiếng nổ.
Về quy định được phép sử dụng và cấm sử dụng: Pháo nổ là loại pháo bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trong mọi trường hợp. Pháo hoa nổ cơ bản bị cấm như pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó pháo hoa là loại pháo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, khi sử dụng chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, khác biệt căn bản nhất giữa pháo hoa với pháo nổ, pháo hoa nổ là: Pháo hoa không gây ra tiếng nổ và cho phép người dân được sử dụng trong một số trường hợp; pháo nổ, pháo hoa nổ gây tiếng nổ không cho phép người dân tự sử dụng.
Đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ phạm tội. Cụ thể như sau:
Điều 190 Bộ luật Hình sự quy định.
1. Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6 kilôgram đến dưới 40 kilôgram thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
2. Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgram đến dưới 120 kilôgram, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
3. Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120 kilôgram trở lên thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
Điều 191 Bộ luật Hình sự quy định.
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6 kilôgram đến dưới 40 kilôgram thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgram đến dưới 120 kilôgram thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
3. Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ 120 kilôgram trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.