Ngân sách khó khăn, Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở năm 2021

Viện dẫn những khó khăn trong việc cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung nguồn lực cho đất nước.

Chiều 20/10, báo cáo tình hình tài chính ngân sách tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 khó khăn, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Bao gồm, tiếp tục loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương, loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021.

Nếu đề nghị này được thực hiện thì trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu trong năm 2021.

Về đề nghị của Chính phủ chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cơ bản đồng ý với đề nghị của Chính phủ.

Ngoài ra, trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ủy ban TCNS nhận thấy, từ năm 2007, nguồn thu xổ số kiến thiết được sử dụng 60% để đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục, 40% xây dựng cơ sở y tế. Đến nay, đã thực hiện gần 13 năm, nhưng chưa có đánh giá tổng kết, chưa rõ hiệu quả sử dụng.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội đề nghị, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá và kiến nghị cơ cấu lại việc sử dụng nguồn thu này.

Về phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, Ủy ban TCNS cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc bố trí NSNN và ngân sách Trung ương (NSTW) cho đầu tư như Chính phủ dự kiến về căn bản là hợp lý. Theo đó, dự kiến tổng vốn đầu tư nguồn NSNN trong năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 170.450 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng, vốn NSĐP là 255.300 tỷ đồng.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án phân bổ vốn đầu tư theo Báo cáo về kế hoạch đầu tư công năm 2020, kế hoạch đầu tư công 2021 của Chính phủ. Năm 2021, Ủy ban TCNS đề nghị bố trí kế hoạch đầu tư công cho các dự án đủ điều kiện.

Đối với các dự án chưa đủ điều kiện, chưa có trong danh mục trình Quốc hội, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tiếp theo theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết 973 của UBTVQH.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cũng cho rằng, việc phân bổ chi thường xuyên như Chính phủ trình đã thể hiện rõ việc triệt để tiết kiệm, bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho các nhiệm vụ thiết thực, cấp bách.

Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh, việc phân bổ dự toán cho một số đơn vị theo cơ chế đặc thù chưa có căn cứ pháp lý, một số chính sách đã được phê duyệt nhưng bố trí ngân sách còn thấp, nhất là thực hiện chính sách chi cho con người. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các chính sách đã ban hành để bố trí dự toán chi, trong đó ưu tiên cho các chính sách phát triển dân tộc.

Linh Phi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngan-sach-kho-khan-chinh-phu-de-nghi-chua-tang-luong-co-so-nam-2021-ar576158.html