Ngân sách năm 2025 của Đức: Tháo phanh nợ, đầu tư lớn
Tuần ngân sách tại Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) hiện đang diễn ra cho tới ngày 11/7, với đỉnh điểm là cuộc tranh luận chung giữa các phe trong Bundestag.

Ông Lars Klingbeil, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội Đức, ký thỏa thuận thành lập Chính phủ liên minh, tại Berlin, ngày 5/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Mở đầu tuần ngân sách tại Bundestag, ngày 8/7, Bộ trưởng Tài chính Lars Klingbeil, đồng thời là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội – SPD, đã trình bày trước Quốc hội dự thảo ngân sách năm 2025 và kế hoạch tài chính của chính phủ liên bang đến năm 2029, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi đang đầu tư mạnh hơn bao giờ hết". Yếu tố quyết định để tăng đầu tư là nới lỏng quy định phanh nợ được ghi trong Luật Cơ bản (Hiến pháp Đức) đã được Quốc hội thông qua, giúp giải quyết được tình trạng tồn đọng đầu tư trong nhiều năm.
Theo ông Klingbeil, với khoản đầu tư tăng thêm vào cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu sẽ được sửa chữa, các trường học được nâng cấp... Hệ thống đường sắt Đức sẽ trở nên đáng tin cậy hơn khi Tập đoàn Đường sắt Đức (DB) nhận được 22 tỷ euro (khoảng 25,76 tỷ USD) trong năm nay để đầu tư nâng cấp mạng lưới đường sắt. Tổng cộng 100 tỷ euro sẽ được phân bổ cho DB trong bốn năm tới.
Dự thảo ngân sách 2025 đã bị trì hoãn và cũng là nguyên nhân khiến chính phủ liên minh "đèn giao thông" trước đây sụp đổ vào năm ngoái. Bundestag dự kiến thông qua dự thảo ngân sách vào tháng 9/2025 và cùng lúc, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo ngân sách năm 2026.
Ngân sách năm 2025 dự kiến chi tới 503 tỷ euro (577 tỷ USD), tăng 6% so với ngân sách 2024 và bao gồm 115 tỷ euro đầu tư cho cơ sở hạ tầng và 19,4 tỷ euro dành cho viện trợ phát triển chính thức (ODA). Dự thảo ngân sách cũng tăng đáng kể khoản vay nợ của chính phủ, với nợ công tăng lên 81,8 tỷ euro năm 2025, so với 33,3 tỷ euro năm ngoái.
Bộ trưởng Klingbeil cũng muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu chi tiêu quân sự 5% GDP mà các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đã thống nhất, trong đó 3,5% GDP chi tiêu quân sự truyền thống và 1,5% GDP cho cơ sở hạ tầng. Theo kế hoạch của ông, chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ tăng dần lên hơn gấp đôi vào năm 2029, lên 152,8 tỷ euro, đạt mức 3,5% GDP.
Kế hoạch tài chính trung hạn đến năm 2029 dự kiến tổng nợ của Đức sẽ đạt gần 847 tỷ euro và chi trả lãi suất vay sẽ chiếm 10% ngân sách năm 2029. Bộ trưởng Tài chính Klingbeil hy vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn giúp nâng cao nguồn thu của chính phủ.
Đảng đối lập Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) phản đối gay gắt dự thảo ngân sách của chính phủ liên bang. Chuyên gia ngân sách Michael Espendiller cho rằng: "Kế hoạch của ông Klingbeil không hợp lý vì nhà nước không thể huy động đủ tiền".
Đảng Xanh cũng chỉ trích dự thảo vì "thiếu can đảm và định hướng rõ ràng" trong khi phải vay nợ nhiều. Đảng Cánh tả kêu gọi tăng đáng kể mức lương tối thiểu với lập luận rằng dự thảo ngân sách không củng cố gắn kết xã hội.