Sớm điều chỉnh quy hoạch TP HCM, đưa kinh tế biển và logistics bứt phá
TP HCM sau sáp nhập mở ra không gian phát triển rộng lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế biển, logistic, tài chính và công nghiệp công nghệ cao
Tại tọa đàm "Cải cách hành chính – Kiến tạo không gian phát triển" do Hội Mỹ nghệ và Chế Biến Gỗ TP HCM (HAWA) cùng Hiệp Hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA) tổ chức ngày 9-7, TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng cần sớm điều chỉnh quy hoạch chung thành phố để giải quyết những bất cập sau sáp nhập, tránh chồng lấn, trùng lặp và phát huy tối đa lợi thế hợp nhất. TP HCM cần bổ sung các chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải từ Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây.
Theo TS Hải, quy hoạch mới cần định hướng phát triển đột phá vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn như tài chính, công nghệ cao, logistic, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Đồng thời, thúc đẩy mô hình đô thị đại học, hợp tác đổi mới sáng tạo theo cấu trúc "bốn xoắn ốc": nhà nước – đại học – doanh nghiệp – cộng đồng.
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá TP HCM sẽ trở thành một đô thị biển hiện đại, kết nối quốc tế mạnh mẽ. Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải – Cần Giờ nếu được quy hoạch tốt có thể trở thành cụm cảng quốc tế cạnh tranh với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu toàn vùng Đông Nam Bộ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn trình bày tại tọa đàm
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA, cho rằng không gian kinh tế liên hoàn mới sẽ giúp ngành gỗ tận dụng hiệu quả logistics và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong 3 địa phương cũ, Bình Dương vốn là thủ phủ ngành gỗ với kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỉ USD; TP HCM là trung tâm thương mại – công nghệ; còn Bà Rịa – Vũng Tàu nắm giữ cảng biển chiến lược. Sự hợp nhất sẽ tạo nên chuỗi giá trị khép kín, tăng tốc độ phản ứng thị trường và giảm chi phí vận hành.
Ông Phạm Hiền Nhân, Giám đốc sản phẩm Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera, cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống nhà máy theo địa bàn hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp giảm 5%-10% chi phí logistics.
Doanh nghiệp này đang xây dựng hệ sinh thái vật liệu xanh đồng bộ nhằm cung cấp giải pháp trọn gói cho các công trình xanh trong vùng.

Các khách mời thảo luận về cơ hội phát triển trong bối cảnh đô thị mới
Các chuyên gia cũng kiến nghị cho phép nội dung các quy hoạch hiện hành của TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây tiếp tục có hiệu lực đến khi được điều chỉnh đồng bộ. Đồng thời, đề xuất phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TP HCM mới theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Tọa đàm "Cải cách hành chính – Kiến tạo không gian phát triển" là hoạt động khởi đầu cho chuỗi sự kiện thuộc Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam (VIBE) 2025.
Sự kiện này thể hiện nỗ lực tiên phong của Ban Tổ chức Triển lãm VIBE trong việc tăng cường tính kết nối ngành, củng cố hệ sinh thái và đóng góp trực tiếp vào các vấn đề phát triển trọng yếu của quốc gia trong bối cảnh cải cách hành chính sâu rộng và sáp nhập các đơn vị hành chính.