Ngân sách tổn thương vì Covid-19, Trung Quốc dừng chi tiêu lớn cho ngành chip
Trung Quốc đang tạm dừng các khoản đầu tư khổng lồ nhằm xây dựng ngành công nghiệp chip để cạnh tranh với Mỹ, khi cơn bùng nổ lây nhiễm Covid-19 trên toàn quốc đang gây căng thẳng cho ngân sách cũng như nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này.
Hãng tin Bloomberg hôm 4-1 dẫn lời các nguồn tin cho hay các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đang thảo luận các biện pháp cắt giảm các khoản trợ cấp tốn kém cho các công ty sản xuất chip trong nước. Lý do là cho đến nay, nguồn trợ cấp khổng lồ đó đã không mang lại những thành quả đột phá trong ngành bán dẫn đồng thời khuyến khích tham nhũng và các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo các nguồn tin, trong khi một số quan chức tiếp tục đề xuất các ưu đãi lên tới 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (145 tỉ đô la) cho ngành chip, các nhà hoạch định chính sách khác không còn hứng thú với cách tiếp cận dựa trên trợ cấp lớn đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Thay vào đó, họ tìm kiếm những giải pháp thay thế để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước, chẳng hạn như giảm chi phí vật liệu bán dẫn.
Các cuộc thảo luận này đánh dấu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với một ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược để thách thức sự thống trị của Mỹ cũng như giúp củng cố năng lực cạnh tranh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Nó cho thấy cơn biến động kinh tế do đại dịch Covid-19 đang bào mòn các nguồn lực của Trung Quốc và cản trở tham vọng tự chủ trong ngành chip, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Không rõ Bắc Kinh đang xem xét những chính sách nào khác đối với ngành chip, hoặc liệu cuối cùng các nhà hoạch định chính sách có quyết định từ bỏ cách tiếp cận nặng về đầu tư vốn đã chứng minh hiệu quả trong việc thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong những thập niên qua hay không. Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể quyết định chuyển bớt nguồn lực từ các lĩnh vực khác để tài trợ cho các nhà sản xuất chip trong nước.
Nhưng nội dung của các cuộc thảo luận đang diễn ra hoàn toàn trái ngược với những nỗ lực trước đây khi Bắc Kinh sốt sắng rót nguồn lực khổng lồ vào ngành chip, bao gồm cả việc thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia (NICIIF), hay còn gọi là Quỹ lớn (Big Fund) vào năm 2014.
Sự hoạt động kém hiệu quả của Big Fund là điều khiến Chủ tịch Tập Cận Bình không hài lòng với triết lý đầu tư cho ngành chip trước đây của Bắc Kinh. Big Fund đã thu hút khoảng 45 tỉ đô la vốn và hỗ trợ nhiều công ty, bao gồm hai nhà sản xuất chip hàng đầu của đất nước là Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) và Yangtze Memory Technologies Co.
Chính phủ Trung Quốc trở nên thất vọng sau khi chứng kiến hàng chục tỉ đô la được đổ vào ngành chip trong thập niên qua không giúp tạo ra những bước đột phá, cho phép Trung Quốc cạnh tranh bình đẳng hơn với Mỹ. Trên thực tế, SMIC và Yangtze, hai công ty bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc, đang khốn đốn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh đã ra lệnh tiến hành một loạt các cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm các nhân vật hàng đầu trong ngành chip bao gồm Gao Songtao, cựu Phó Chủ tịch Sino IC Capital, công ty quản lý quỹ Big Fund. Giới chức trách đổ lỗi nạn tham nhũng là nguyên nhân gây ra các khoản đầu tư lãng phí và kém hiệu quả trong ngành chip.
Tất cả những điều đó xảy ra khi ngành chip trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi giải quyết cấp bách ‘các điểm nghẽn’ của Trung Quốc, bao gồm những lĩnh vực mà nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và các cường quốc nước ngoài khác, chẳng hạn như công nghệ chip. Ông nhấn mạnh đất nước cần phải đạt được mục tiêu ‘tự cung tự cấp’ trong các công nghệ quan trọng khi Mỹ tìm cách cô lập Trung Quốc. Khi giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa từng có tiền lệ hồi tháng 10-2022, ông tuyên bố Trung Quốc cần phải tiến nhanh hơn trong việc thực hiện các dự án chiến lược để tăng cường đổi mới. Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái, ông nói Trung Quốc cần nỗ lực cải thiện hệ thống mới nhằm huy động các nguồn lực trên toàn quốc để tạo ra những đột phá công nghệ quan trọng và thúc đẩy sức mạnh của Trung Quốc trong khoa học và công nghệ chiến lược.
Đáp lại, các quan chức Trung Quốc gần đây thảo luận về việc có nên đưa ra các ưu đãi bổ sung cho các công ty chip trong nước hay không. Nhưng nhiều người cho rằng sẽ rất khó để huy động một nguồn tài chính đáng kể sau khi Bắc Kinh đã chi mạnh tay để chống đại dịch Covid-19 trong những năm qua.
Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp vật liệu bán dẫn giảm giá bán để hỗ trợ khách hàng trong nước của họ, các nguồn tin cho biết.
Doanh thu thuế và doanh số bán đất cùng giảm, cộng thêm với chi phí tốn kém cho cuộc chiến chống dịch đã làm hao hụt các nguồn tài chính của Bắc Kinh, đẩy thâm hụt tài khóa của đất nước lên mức kỷ lục 1.100 tỉ đô la vào năm ngoái, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu thu chi ngân sách của Bộ Tài chính Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đang ngày càng quyết liệt kìm hãm tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Năm ngoái, Washington đã thúc đẩy chiến dịch ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ chip tiên tiến bằng cách sử dụng nhiều công cụ khác nhau bao gồm kiểm soát xuất khẩu các công nghệ liên quan. Đó là một phần trong nỗ lực thực hiện lời kêu gọi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan là Mỹ cần phải “dẫn đầu càng nhiều càng tốt” trong các công nghệ quan trọng.
Các đồng minh chủ chốt của Mỹ bao gồm Hà Lan và Nhật Bản cũng đã đồng ý về nguyên tắc rằng họ sẽ thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là một đòn giáng khác có thể gây suy yếu thêm các kế hoạch tham vọng về chip của Bắc Kinh.
Theo Bloomberg