Ngăn tài xế gây tai nạn bỏ chạy, cách nào?
Việc tài xế bỏ chạy sau TNGT gây khó khăn cho công tác khám nghiệm, điều tra TNGT.
Đáng lo hơn, khi tài xế bỏ trốn trong tâm trạng hoảng hốt, kích động dễ gây TNGT tiếp theo, thậm chí chèn lên người nạn nhân khiến thương tích nghiêm trọng hơn, làm nạn nhân mất đi cơ hội cấp cứu ở “giờ vàng”.
Hậu quả từ bỏ chạy sau tai nạn
Một năm sau vụ tai nạn kinh hoàng, chị Trần Thị Dung (thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), đang là lao động chính cùng chồng nuôi 5 con và 1 mẹ già đã thành người tàn tật, suốt ngày phải điều trị trong các bệnh viện, chi phí đã vượt 300 triệu đồng.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 3/6/2021, khi chị Dung đang làm lao công quét dọn trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai thì bị một xe ô tô đâm trúng, hất văng xa nhiều mét.
Tài xế sau khi gây tai nạn đã bỏ chạy. Người đi đường phát hiện, đưa chị Dung đi cấp cứu trong tình trạng gãy chân, thủng ruột, vỡ xương gò má, chảy rất nhiều máu...
“Sau đó, cơ quan công an đã tìm ra tài xế gây tai nạn, người đó đã đến bồi thường một phần chi phí điều trị cho tôi. Tôi vẫn nói với tài xế, nếu ngay lúc gây tai nạn mà đưa tôi đi cấp cứu kịp thời, thì có lẽ tôi cũng đỡ phần nào thương tật”, chị Dung chia sẻ.
Chị Vũ Thị Lý, ở Vụ Bản, Nam Định kể, ba tháng trước, mẹ chị đạp xe đi chợ sớm và bị một xe máy va quệt phải khiến bà ngã xuống đường, còn tài xế xe máy bỏ chạy.
Trích xuất camera nhà dân ven đường cho thấy, do thời điểm sáng sớm, nên khá lâu sau khi tai nạn xảy ra, nạn nhân mới được người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu và bà đã tử vong.
“Bác sỹ nói mẹ em được đưa đi cấp cứu quá chậm. Người gây tai nạn nếu tìm cách thông báo, đưa mẹ em đi cấp cứu kịp thời, có lẽ mẹ em đã có cơ hội sống”, chị Lý xót xa.
Cướp đi cơ hội sống khi bỏ mặc nạn nhân
Các nghiên cứu y khoa đã khẳng định, khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân, giúp tính mạng nạn nhân được bảo vệ, đồng thời giảm thiểu các di, biến chứng sau tai nạn. Việc bỏ mặc nạn nhân khi tai nạn xảy ra đã cướp đi cơ hội nạn nhân được cứu chữa và dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thế nhưng, theo đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), thực trạng tài xế gây TNGT rồi bỏ chạy vẫn rất đáng báo động. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể trong thời gian gần đây, nhưng lực lượng CSGT các địa bàn liên tục phải thông báo, truy tìm tài xế, nhân chứng liên quan đến các vụ TNGT rồi bỏ chạy.
Từ đầu năm đến nay, riêng trên Đại lộ Thăng Long, Công an các quận, huyện Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) gửi thông báo truy tìm nhân chứng, người liên quan cho gần chục vụ TNGT, trong đó có nhiều vụ tài xế gây TNGT bỏ chạy.
Điển hình, khoảng 13h30 ngày 14/3, tại Km 24+300 Đại lộ Thăng Long xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy điện với 1 xe ô tô khiến người đi xe máy điện tử vong, xe ô tô gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường.
Trước đó, khoảng 0h30 ngày 22/2, tại Đại lộ Thăng Long, xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô Kia BKS 15A-413.53 và 1 xe container, nhưng chiếc container cũng bỏ chạy...
Rạng sáng 17/5/2022, bà Đỗ Thị M. (SN 1956 thị trấn Yên Mỹ, Hưng Yên) bị TNGT khi đang đi bộ đẩy xe chở rác trên QL39.
Tài xế chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy, còn bà M. tử vong tại chỗ, thi thể không còn nguyên vẹn, nghi có nhiều phương tiện giao thông đi qua thi thể. Sau 12 giờ, lực lượng chức năng đã tìm ra chiếc ô tô 15 chỗ BKS 29B- 622.43 gây tai nạn.
Trước đó, chiều 27/3, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), xe ô tô BKS 14A-604.17 do Hoàng Công Trung (SN 1979, trú phường Ka Long, TP Móng Cái) điều khiển bất ngờ lao thẳng vào nhà dân, làm vỡ cửa kính và hư hỏng nhiều đồ đạc.
Lẽ ra phải dừng lại sau tai nạn này, nhưng tài xế Trung lại lùi xe ra và bỏ chạy, dẫn tới va chạm với hàng loạt phương tiện, làm bà N.T.V. (56 tuổi) tử vong tại chỗ, một người khác bị thương.
Ngăn chặn cách nào?
Thiếu tá Lưu Trung Thủy, Tổ trưởng Tổ Điều tra giải quyết TNGT, Đội CSGT đường bộ số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chia sẻ, nhiều vụ TNGT xảy ra nhất là thời điểm sáng sớm, đêm tối hoặc trên những tuyến đường vắng, tài xế bỏ chạy đã gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Đây cũng là tình tiết tăng nặng nếu vụ tai nạn được đưa ra xét xử.
“Bằng các biện pháp nghiệp vụ như thu thập tại hiện trường vụ tai nạn, tìm nhân chứng, trích xuất camera của nhà dân, của hệ thống giao thông, của các xe cùng tuyến... lực lượng chức năng sẽ nỗ lực tìm ra tài xế gây tai nạn bỏ chạy”, Thiếu tá Thủy cho hay.
Theo quy định pháp luật hiện hành, sẽ phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn sau TNGT.
Còn Bộ luật Hình sự quy định, tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn gây ra, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Tuy nhiên, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT đường bộ số 10 cho biết, mức xử phạt hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy như vậy còn nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả của hành vi này gây ra, chưa đủ sức răn đe.
“Vẫn cần có những quy định rõ ràng và nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy, như phải bị tước GPLX vĩnh viễn chẳng hạn”, Trung tá Cường đề xuất.
Thiếu tá Lưu Trung Thủy cho biết thêm, hệ thống camera giám sát ngày càng được “phủ sóng” trên các tuyến đường giao thông. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều hộ dân sinh sống ven tuyến đường cũng tự trang bị camera và rất nhiều xe ô tô trang bị camera giám sát hành trình... Do đó, các tài xế bỏ chạy sau TNGT hầu hết đều bị phát hiện, xử lý.
“Nếu có cơ chế mua lại, khuyến khích người dân cung cấp video, hình ảnh các xe gây TNGT bỏ chạy thì sẽ càng truy lùng nhanh, chính xác tài xế gây TNGT bỏ trốn”, Trung tá Thủy đề xuất.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng trên, cần nâng mức xử phạt; đồng thời tăng cường tuyên truyền để lái xe nhận thức được hành động bỏ trốn sau khi gây tai nạn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức, thiếu tình người.
Theo quy định của pháp luật, khi xảy ra sự cố giao thông, người điều khiển phương tiện phải giữ nguyên hiện trường, nhanh chóng cấp cứu người bị nạn, thông báo với lực lượng chức năng đến giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích của cả hai bên, tránh xảy ra xô xát. Trong một số trường hợp, nếu thấy nguy hiểm, lái xe để phương tiện lại và đến cơ quan công an nơi gần nhất trình báo.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngan-tai-xe-gay-tai-nan-bo-chay-cach-nao-d555736.html