Ngăn thực phẩm 'bẩn' tuồn vào trường học

Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo huyện Bắc Hà đang nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các trường học sau sự việc xảy ra tại một số trường học thuộc xã Bảo Nhai trong tháng 9 vừa qua.

Bắc Hà:

 Bữa ăn của trẻ tại Trường Mầm non Cốc Lầu (Bắc Hà).

Bữa ăn của trẻ tại Trường Mầm non Cốc Lầu (Bắc Hà).

Trong 13 ngày, 3 lần bán thực phẩm “bẩn” cho trường học

Ngày 16/9, đại diện phụ huynh Phân hiệu Mầm non Bảo Nhai 2 trong khi giám sát thực phẩm cung ứng cho học sinh đã phát hiện thịt lợn không đảm bảo VSATTP nên đã kiến nghị với nhà trường, UBND xã Bảo Nhai và UBND huyện Bắc Hà. Nhận được phản ánh, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Bắc Hà đã kiểm tra đột xuất và phát hiện Trường Mầm non xã Bảo Nhai nhập 21,8 kg thịt lợn không đảm bảo chất lượng. Thịt lợn có dấu hiệu không được kiểm soát giết mổ, phần mỡ có màu vàng, phần thớ nạc màu nhợt nhạt, độ kết dính thấp, độ đàn hồi kém, đặc biệt là bốc mùi tanh, hôi. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 5 triệu 362 nghìn đồng đối với Trường Mầm non Bảo Nhai.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng triệu tập Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Diệp (đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non Bảo Nhai). Công ty đã xuất trình đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Lào Cai cấp. Đồng thời, công ty xác nhận có cung cấp cho Trường Mầm non Bảo Nhai 21,8 kg thịt lợn và thừa nhận số thực phẩm trên không đảm bảo chất lượng để chế biến thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt Công ty TNHH MTV Ngọc Diệp 5 triệu 362 nghìn đồng, buộc tiêu hủy tại chỗ 21,8 kg thịt lợn không đảm bảo chất lượng.

Điều đáng nói, chỉ trong 13 ngày kể từ ngày ký hợp đồng (ngày 3/9) đến khi xảy ra sự việc trên đã là lần thứ 3 Công ty TNHH MTV Ngọc Diệp bị phát hiện cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng cho Trường Mầm non Bảo Nhai, mặc dù 2 lần trước, công ty đã cam kết rút kinh nghiệm và mong muốn tiếp tục hợp tác. Cũng trong thời gian này, các khách hàng khác của Công ty TNHH MTV Ngọc Diệp là Trường THCS Bảo Nhai, Trường Tiểu học Bảo Nhai B cũng phát hiện và trả lại thịt lợn “bẩn” cho đơn vị cung ứng.Nguyện vọng của hầu hết phụ huynh học sinh Trường Mầm non Bảo Nhai tại cuộc họp khẩn ngay sau sự việc ngày 16/9 là đề nghị trường dừng hợp đồng mua bán thực phẩm với Công ty TNHH MTV Ngọc Diệp.

Bà Dương Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Theo ý kiến của ngành y tế Bắc Hà, việc quản lý VSATTP trong bếp ăn tập thể của các trường phổ thông cần có sự giám sát chặt chẽ, trong đó phải kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến cho đến bàn ăn và kiểm tra ngay cả với mẫu thức ăn lưu lại.

Tăng cường công tác quản lý

Năm học 2019 - 2020, huyện Bắc Hà có khoảng 5.000 học sinh sử dụng bếp ăn bán trú tại 34 trường phổ thông dân tộc bán trú, 2 trường có học sinh bán trú và 21 trường mầm non. Các trường học nói trên đang ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với hơn 20 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Câu chuyện không đảm bảo VSATTP xảy ra tại Trường Mầm non Bảo Nhai ngay trong tháng đầu tiên của năm học mới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo để ngành giáo dục và đào tạo huyện Bắc Hà phải chú trọng hơn nữa đến công tác đảm bảo VSATTP trong trường học.

Ngày 13/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà có công văn hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông huyện Bắc Hà, trong đó quy định rõ các bước quản lý việc tổ chức tập trung nấu ăn tại trường học như: Xây dựng thực đơn ăn, hợp đồng cung cấp thực phẩm, công tác quản lý và trình tự thực hiện việc quản lý hoạt động nấu ăn đến tiếp phẩm… Tuy nhiên, để công văn này được thực hiện nghiêm túc, triệt để, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cần đẩy mạnh việc giám sát, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện tại các nhà trường.

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà khẳng định: Ngay sau vụ việc xảy ra tại Trường Mầm non Bảo Nhai, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã quán triệt các trường nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP khi tổ chức nấu ăn cho học sinh.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Hà cũng chỉ đạo các trường chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm với nhà cung cấp có uy tín, đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các loại giấy tờ liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Đồng thời yêu cầu các trường sớm thành lập tổ giám sát thực phẩm, trong đó lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm chính trước Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nếu để xảy ra mất VSATTP có lý do chủ quan.

Ông Bùi Văn Tiến cũng chia sẻ thêm: Việc giám sát thực phẩm trong trường học cần sự tham gia của HĐND, UBND cấp xã và đại diện cha mẹ học sinh, nhưng quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các thầy cô giáo tại trường học bởi họ là những người trực tiếp tiếp nhận thực phẩm từ đơn vị cung ứng.

Nhóm PV kinh tế - xã hội

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/ngan-thuc-pham-ban-tuon-vao-truong-hoc-z5n20191023083739083.htm