Ngăn tội phạm kinh tế - tham nhũng trốn ra nước ngoài

Ủng hộ quyết tâm chống tham nhũng, song nhiều người lo ngại tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, giống như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Bùi Quang Huy, Hồ Thị Kim Thoa...

"Trước đây nổi lên vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn. Sau Trịnh Xuân Thanh, đáng lẽ cần rút ra kinh nghiệm nhưng rồi chúng ta lại tiếp tục để tội phạm trốn ra nước ngoài, như Vũ Đình Duy, Bùi Quang Huy, và giờ là Hồ Thị Kim Thoa", thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) chia sẻ với Zing.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, vừa bị cơ quan điều tra Bộ Công an truy nã do cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước. Sai phạm của bà Thoa diễn ra trong một thời gian dài, bà Thoa cũng từng bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.

Như vậy tức là các sai phạm của nữ lãnh đạo này đã được nắm rõ, nhưng khi cơ quan điều tra khởi tố thì bà Thoa đã bỏ trốn khiến công an phải ra quyết định truy nã.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, việc tội phạm bỏ trốn là vấn đề cần khắc phục ngay nếu muốn công cuộc chống tham nhũng hiệu quả và triệt để.

Có sơ hở mới trốn được

Thiếu tướng Lê Văn Cương hoan nghênh tinh thần chống tham nhũng không vùng cấm, không ngoại lệ khi hàng loạt cán bộ cấp cao tiếp tục bị khởi tố để điều tra sai phạm. Việc đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng là không lùi bước trong chống tham nhũng.

“Đây là việc tích cực, nên ủng hộ Đảng làm quyết liệt hơn nữa và làm đến cùng, cũng không sợ xử lý nhiều cán bộ thì không có người làm việc, vì Việt Nam rất nhiều người tài”, ông Cương nói.

 Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) lưu ý cần khắc phục sơ hở đến ngăn tội phạm bỏ trốn. Ảnh: Lê Hiếu.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) lưu ý cần khắc phục sơ hở đến ngăn tội phạm bỏ trốn. Ảnh: Lê Hiếu.

Nhưng ông lo ngại trước thực trạng cán bộ vi phạm bỏ trốn, từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, đến ông chủ Nhật Cường là Bùi Quang Huy và nay là cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

“Việc người phạm tội bỏ trốn làm khó cho các cơ quan tố tụng, khiến người dân đặt ra nghi ngờ liệu có ai tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn không. Việc này cũng dễ trở thành cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, làm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước”, tướng Cương cảnh báo nhiều hậu quả.

Ông nhấn mạnh chuyện những người phạm tội bỏ trốn không phải chỉ ở Việt Nam mà các nước đều có. Song, để xảy ra, chắc chắn có sơ hở trong hệ thống quản lý Nhà nước vì "có sơ hở mới trốn được".

Vì thế, từ các trường hợp trên, những cơ quan liên quan nên có cuộc họp liên bộ, bàn sâu, bàn kỹ, không né tránh, họp không phải để phê phán ai, mà để tìm kẽ hở, xem khâu nào sơ hở nhất. Sau đó tìm cách khắc phục triệt để, không để lặp lại.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng việc để người phạm tội bỏ trốn là do quản lý có sơ hở, nhất là khi nhiều vụ liên tiếp xảy ra.

“Chúng ta có cả hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên trách về việc này, tại sao lại để bỏ trốn? Đó là thiếu sót trong quản lý, có thể vì chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không ngoại trừ có trường hợp 'vẽ đường cho hươu chạy'. Nếu thế phải xử lý nghiêm”, ông Hùng nhận định.

Để tội phạm bỏ trốn có thể do chủ quan, nhưng cũng không ngoại trừ có trường hợp “vẽ đường cho hươu chạy” - ông Vũ Quốc Hùng.

Nhắc lại đây là vấn đề nhiều lần được đưa ra bàn tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh - cho rằng những người phạm tội bỏ trốn đều có sự chuẩn bị, tính toán trước.

Họ nhận thức được nguy cơ bị đưa ra xử lý bằng hình thức cao nhất nên có sự chuẩn bị về nơi trốn tránh, chuyển tài sản ra nước ngoài, tìm cách ra nước ngoài với nhiều lý do khác nhau. Đây là vấn đề rất khó trong quản lý công dân nói chung và cán bộ công chức, viên chức nói riêng.

Ông Hồng cho biết theo quy định của luật, cơ quan Nhà nước chỉ được cấm xuất cảnh trong một vài trường hợp nhất định, nếu không nằm trong trường hợp đó thì không thể cấm quyền xuất cảnh của công dân.

Song, nhìn nhận từ góc độ quản lý cán bộ, đảng viên, ông đánh giá việc này còn thiếu chặt chẽ, cần phải sớm xem xét, đánh giá và rút ra bài học.

“Dân không chỉ kỳ vọng nay bắt ông này, mai bắt ông kia”

Nhìn nhận ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên tiếp khởi tố nhiều cán bộ cấp cao như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến… một lần nữa cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn được thực hiện rất quyết liệt.

Đặc biệt, trong bối cảnh Đại hội Đảng XIII đang đến gần, việc làm trong sạch đội ngũ của Đảng càng trở nên có ý nghĩa. “Chưa bao giờ niềm tin vào chống tham nhũng cao như lúc này”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Vũ Quốc Hùng nói với Zing.

Đánh giá về công cuộc chống tham nhũng, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhận định dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đã có rất nhiều cán bộ trung và cao cấp từ địa phương tới Trung ương bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.

Ông đặc biệt ghi nhận kết quả này trong các lĩnh vực “nhạy cảm” như sử dụng, quản lý đất đai, quản lý ngân sách Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp…

 Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh) đánh giá việc quyết liệt chống tham nhũng có ý nghĩa phòng ngừa và mang tính răn đe cao. Ảnh: Hải Quân.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, an ninh) đánh giá việc quyết liệt chống tham nhũng có ý nghĩa phòng ngừa và mang tính răn đe cao. Ảnh: Hải Quân.

"Qua tiếp xúc, cử tri cũng đánh giá cao quyết tâm, hiệu quả của công cuộc PCTN thời gian qua. Việc này đã lấy lại niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng và các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời có tác dụng phòng ngừa và tính răn đe rất cao”, ông Hồng nói.

Theo ông, việc quyết liệt trong PCTN trong bối cảnh Đại hội Đảng XIII đang đến gần đã thể hiện đúng tinh thần không để lọt vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ địa phương đến Trung ương, đặc biệt là lãnh đạo cấp chiến lược, những người cơ hội, không đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức.

Song, ông kỳ vọng việc chống tham nhũng không chỉ quyết liệt, mà phải triệt để. Tức là khi xử lý cán bộ sai phạm, phải xem xét đến trách nhiệm của người quản lý, kiểm tra, theo dõi, giới thiệu cán bộ vào vị trí đó. Quan trọng hơn, phải thu hồi được tài sản tham nhũng về cho Nhà nước, tìm ra được nguyên nhân của yếu kém và đưa ra giải pháp khắc phục.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp - cũng ghi nhận công tác chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ, tích cực. Song, mạnh mới chỉ ở Trung ương, còn địa phương nhiều nơi chưa tích cực.

"Chống tham nhũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” - ông Vũ Trọng Kim.

“Nhưng người dân không kỳ vọng chống tham nhũng là nay bắt ông này, mai bắt ông kia. Chống tham nhũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tức là xây đi đôi với chống”, ông Kim nhấn mạnh.

Ông nói Đảng là hạt nhân lãnh đạo, phải tạo được niềm tin cho người dân chống tham nhũng, vì niềm tin về chống tham nhũng mạnh mẽ thì niềm tin vào các chính sách khác mới tăng lên.

 Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng xử lý cán bộ sai phạm là cần thiết, đúng quy luật, cho thấy Đảng nói đi đôi với làm. Ảnh: Duy Hiệu.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng xử lý cán bộ sai phạm là cần thiết, đúng quy luật, cho thấy Đảng nói đi đôi với làm. Ảnh: Duy Hiệu.

Từng chứng kiến việc xây dựng chỉnh đốn Đảng từ Hội nghị Trung ương 6 lần 2, khóa VIII, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cho rằng xử lý cán bộ sai phạm là cần thiết, đúng quy luật, cho thấy Đảng nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có chuyện hạ cánh an toàn. Xử lý nhiều lãnh đạo cấp cao chắc chắn cũng khiến dân băn khoăn, nhưng đã sai phải sửa, không thể né tránh. Vì nếu để người không đủ đức, đủ tài lãnh đạo sẽ tai hại cho dân, cho nước.

"Cuộc chiến chống giặc nội xâm sẽ gây nhiều vết thương trên cơ thể, nhưng thà chấp nhận đau đớn để sau này cơ thể khỏe mạnh lại, còn hơn để những sai phạm hủy hoại dần cơ thể đến lúc không thể cứu vãn", ông Vũ Quốc Hùng nói.

Hoài Thu
Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngan-toi-pham-kinh-te-tham-nhung-tron-ra-nuoc-ngoai-post1107474.html