Ngân vang điệu hát sình ca
Mỗi cộng đồng đều có những điệu hát riêng, tạo nên bản sắc. Với đồng bào dân tộc thiểu số Cao Lan, điệu hát sình ca có vai trò quan trọng và vô cùng đặc sắc.
1. Người Cao Lan hay còn gọi là người Sán Chay (Sán Chay bao gồm Cao Lan và Sán Chí) sống tập trung ở các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Đối với người Cao Lan, hát sình ca vô cùng quen thuộc. Ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, những điệu sình ca đã được vang lên bao bọc, nuôi dưỡng tâm hồn. Rồi cứ thế, những điệu sình ca ngầm dần vào tâm thức. Vào những ngày xuân, ngày hội hay khi đi nương rẫy, người Cao Lan đều hát sình ca.
Vậy sình ca ra đời trong hoàn cảnh nào?
Truyền thuyết kể rằng: Khi mới biết nói cô bé Lưu Ba đã hát những bài đồng dao cho đám trẻ hát theo. Lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp hát hay, rất giỏi đối đáp. Cha mẹ mất sớm, cô gái ở với anh trai và chị dâu. Dẫu thương em nhưng người anh nhu nhược, sợ vợ. Chị dâu là người tham lam nham hiểm. Lớn lên Lưu Ba càng xinh đẹp, càng hát hay. Chị dâu tức tối tìm mọi cách hãm hại. Nào bắt làm việc quần quật suốt ngày; nào gói đá làm bánh bắt luộc khi nào chín mềm mới được đi xem hội; nào bắt trèo cây Phạc van rồi đốn gốc cho đổ làm Lưu Ba nhiều phen chết đi sống lại. Dù luôn bị chị dâu hành hạ, làm hại tiếng hát của Lưu Ba vẫn bay bổng vang xa.
Đêm xuân hát ví, nàng đem lòng yêu chàng trai nghèo. Hai người hát mấy đêm không ai chịu thua. Già trẻ bản gần làng xa nghe hát quên cả lên nương, ra đồng, người già quên cả giã cối trầu. Tiếng hát của hai người cứ nối nhau cất lên, quyện vào nhau vang vọng đêm khuya, làm cho người già quên ngủ, người trẻ nhẩm theo học lấy. Nhiều người thuộc nhiều câu, chắp lại thành những đêm hát.
Nhưng rồi nàng bị anh chị ép gả cho con một nhà chúa đất giàu có. Sợ nàng hát lên những lời phản kháng, nên khi tiễn em về nhà chồng, người anh đưa cho nàng chiếc kéo đã buộc chỉ, dặn rằng, hễ bao giờ chiếc kéo mở ra nàng mới được nói. Suốt 3 năm ở nhà chồng, nàng làm người câm điếc. Trong lòng luôn nhớ đến người yêu, ấp ủ hàng ngàn lời ca yêu thương.
Hai cô em chồng tìm mọi thuốc thang để nàng cất lời nhưng nàng vẫn câm lặng. Một hôm nàng cùng cô em chồng ra suối gánh nước. Nghe tiếng chim hót líu lo, cầm lòng không đặng nàng cất lên lời hát. Cô em chồng lần đầu nghe thấy tiếng chị dâu từ ngày về nhà mình sợ vã mồ hôi. Hồi lâu cô mới nói được:
- Về nhà đi chị ơi!
Lưu Ba trả lời:
- Chị không thể về.
Rời bỏ nhà chồng, nàng tự giải thoát cuộc đời mình. Nàng đi hết bản này sang bản khác hát những bài ca mình làm ra, truyền những bài ca ấy cho trai gái dân tộc Cao Lan khắp mọi miền. Trong lòng vẫn mong tìm gặp được người tình cũ. Niềm mong mỏi luôn thôi thúc nàng vượt suối ngàn đèo dốc cất vang những lời yêu thương quên tháng quên ngày.
Đến một ngày kia trước mặt nàng hiện ra con suối nước trong xanh, hỏi thì biết tên là suối Chín Khúc. Người già cũng nói cho nàng biết, từ độ nàng lấy chồng, chàng người yêu đến tu và viên tịch bên suối này. Nàng bèn xuống suối tắm cho thân thể được thanh sạch. Chợt soi mình thấy một bà già thân hình tiều tụy, còn đâu nàng Lưu Ba tươi trẻ ngày nào. Nàng thấy mình thật là cô đơn, dốc hết sức lực cố bơi vào bờ, ngồi tựa gốc thông hát lên những lời thương tiếc và trút hơi thở cuối cùng. Hồn nàng nhập vào gốc thông. Cây thông quanh năm xanh tươi, bốn mùa hát những bài ca tình yêu tha thiết. Vì thế mà hễ nơi nào có cây thông là người Cao Lan lập cây nhang thờ nàng, lấy đá đắp vào gốc coi đó là mộ nàng Lưu Ba.
Những lời ca tình yêu thương nhớ được nàng hát lên trong suốt mấy chục năm trời đi tìm người yêu được truyền lại cho người đời sau, chép lấy làm thành những tập sách hát. Người Cao Lan coi nàng là bà chúa thơ ca, thiêng liêng, đầy uy lực ngang hàng với thần núi, thần sông, tồn tại mãi mãi... các cuộc hát vui xuân, hát ví, hát đám cưới đều có lời hát mời hồn nàng về nhập cuộc, hướng cho lời được bay bổng. Kết thúc cuộc vui lại có lời ca tiễn nàng về nơi cõi Phật.
2. Trong tiếng Cao Lan, “sình ca” hay “sịnh ca”, “sềnh ca” có nghĩa là “thần”, “chúa”. Sình ca cũng có nghĩa là “xướng” - hát lên, cách gọi như vậy gần giống với cách gọi của người Tày đối với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian: Then- “thiên”, “trời”.
Với người Cao Lan, sình ca là lối hát giao duyên, được hát phổ biến trong đám cưới, ngày hội, trong dịp Tết… Những câu hát về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên làm mê đắm biết bao lòng người đồng thời đóng góp vào kho tàng văn hóa phi vật thể của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, hiện nay, người Cao Lan hát sình ca phổ biến nhất là vào dịp cưới hỏi. Đây là dịp các đôi trai gái tỏ tình, hẹn hò. Hát trong đám cưới người ta chia thành 2 phần. Phần một hát vào lúc rước dâu, khi nhà trai đến cửa thấy nhà gái giăng vải xanh, đỏ chắn ngang đường, bên kia nhìn thấy là phải hát rồi. Phần hai được tổ chức vào ban đêm, lúc này các đôi trai gái sẽ hát đối đáp cho đến sáng hôm sau.
Để những giai điệu trở nên hấp dẫn, hát sình ca cũng cần phải có những nhạc cụ nhất định, như: sáo, nhị, đặc biệt là trống sành. Đây không phải là những nhạc cụ dành riêng cho hát sình ca mà là nhạc cụ được sử dụng trong hầu hết các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng của người Cao Lan.
Sáo và nhị thì nhiều người đã biết. Riêng trống sành là nhạc cụ được làm ra với nhiều công đoạn thể hiện sự kỹ lưỡng của người Cao Lan. Các cụ cao tuổi ở thôn Đồng Mon (xã Thái Long, TP Tuyên Quang) cho biết, thân trống sành của người Cao Lan không làm bằng gỗ mà làm từ đất nung. Chính vì lý do này mà các bước làm trống sành phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi bàn tay thợ đúc trống nhiều kỹ thuật khó. Các ghi chép cho thấy, ngày xưa, người Cao Lan đào một hầm đất, có thể chứa được nhiều thân trống, dùng củi núi đá đốt liên tục trong một tuần thì trống được ra lò. Thân trống sành khi ra lò phải đạt mức không phải là gốm mà chuyển sang sành. Do đó mới có tên gọi là trống sành. Công đoạn kế tiếp là thân trống được tráng một lớp men để tạo độ bóng, mịn và bền. Cuối cùng là công đoạn làm mặt trống. Đây là một nét riêng, mang dấu ấn tỉ mỉ của đàn ông dân tộc Cao Lan. Họ vốn khéo tay, lại cầu kỳ trong thẩm mỹ nên không làm mặt trống bằng da trâu mà phải bằng da kỳ đà hoặc da trăn. Có như thế, chiếc trống sành mới đẹp và bền.
3. Ngày nay, do điều kiện xã hội có nhiều thay đổi đã khiến điệu hát sình ca của người Cao Lan tại nhiều nơi có những sai khác so với trước kia. Do đó, vấn đề cần được quan tâm là việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của làn điệu sình ca. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề khó, vì thế cần có sự kết hợp đồng thời nhiều biện pháp khác nhau, có sự vào cuộc của nhiều bộ, ban ngành, cũng như chính người Cao Lan. Cũng cần tiến hành đồng thời việc sưu tầm những tài liệu về sình ca đã bị thất lạc, đào tạo những người hát sình ca, và thường xuyên tổ chức hát sình ca bằng nhiều hình thức như hội thi, giao lưu...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/ngan-vang-dieu-hat-sinh-ca-tintuc453519