Ngang nhiên xâm phạm di tích, di sản

Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có thêm những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm lẫn nghĩa vụ trong việc phân cấp quản lý di sản - di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi UBND tỉnh Hà Giang thể hiện rõ quan điểm đối với việc địa phương triển khai hai dự án du lịch cần tuân thủ các quy hoạch của Chính phủ.

Theo quan điểm của bộ này, thì mặc dù Dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lũng Cú nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, vị trí xây dựng của dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030. Do đó, quá trình triển khai dự án, ngoài việc phải thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về dự án Thang máy ngắm cảnh ở Đồn Cao, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu xử lý dứt điểm dự án. Đề nghị UBND tỉnh Hà Giang kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện dự án để có phương án xử lý dứt điểm sai phạm, đảm bảo tuân thủ nghiêm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản pháp luật khác có liên quan và định hướng quy hoạch tại khu vực này.

Tương tự, Khu Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối huyện Hoài Đức, Hà Nội nơi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý hiếm có niên đại lên tới hơn 3000 năm tuổi, được Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật, và tổ chức hội thảo “đầu bờ”, chờ cấp có thẩm quyền xem xét phương án bảo vệ, bảo tồn tiến tới xếp hạng di sản văn hóa quốc gia... Thế nhưng đã bị những kẻ vô tâm san ủi một cách không thương tiếc.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có công văn báo cáo thành phố và đề xuất giải pháp khắc phục. Hiện ở đây có 3 gò: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng thì gò Mỏ Phượng đã bị san lấp gần như hoàn toàn, gò Dền Rắn bị san lấp gần 50%, bên cạnh nạn đào trộm cổ vật diễn ra công khai. Trước đó các nhà khoa học đã đề xuất phương án bảo tồn tổng thể Khu Di tích Vườn Chuối và đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng ý phương án bảo tồn khoanh vùng toàn bộ nửa phía đông gò Vườn Chuối, các gò còn lại cần được khai quật di dời các di tích khảo cổ, sau đó trả lại mặt bằng để xây dựng đường vành đai và xây dựng khu đô thị. Đặc biệt trong thời gian đang diễn ra khai quật di chỉ này cần được bảo vệ một cách nghiêm túc.

Ở một khía cạnh khác, cùng là xâm phạm di sản, nhưng ở đây là xâm phạm hình ảnh di sản. Đó là chuyện Công ty TNHH Carlsberg Việt Nam đã sử dụng biểu tượng Di sản chùa Cầu ( Hội An) để đưa quảng cáo sản phẩm bia Huda gây bức xúc dư luận xã hội. Cộng đồng phản ứng là bởi khi quảng cáo một sản phẩm có sử dụng những biểu tượng văn hóa, di sản thì ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, pháp luật có liên quan, doanh nghiệp nhất thiết phải thể hiện được sự tôn trọng các giá trị văn hóa, bảo tồn giá trị di sản và đặc biệt, cần phải phù hợp với ý nguyện, tâm lý người tiêu dùng mới đạt được sự hài hòa giữa các yếu tố văn hóa truyền thống với lợi ích kinh doanh.

Trên đây mới chỉ là những ví dụ điển hình về thực trạng xâm phạm di sản - di tích trong thời gian gần đây. Thực trạng cho thấy chính quyền các địa phương chẳng những không lên tiếng, thậm chí dường như không hay biết có sự việc trên? Trong khi việc phân cấp cho địa phương quản lý di sản – di tích là để phát huy tối đa trách nhiệm. Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có thêm những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm lẫn nghĩa vụ trong việc phân cấp quản lý di sản - di tích.

Hà Nguyễn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngang-nhien-xam-pham-di-tich-di-san-94745.html