Ngành bán dẫn Hàn Quốc trước sức ép địa chính trị
Triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 của Hàn Quốc không mấy lạc quan do những khó khăn liên quan đến chip - mặt hàng xuất khẩu chính của 'xứ kim chi'.
Nhật báo Korea Herald ngày 25/12 trích dẫn báo cáo của các tổ chức kinh tế, trong đó cho rằng động lực xuất khẩu của Hàn Quốc dự kiến sẽ gặp khó khăn vào năm 2025 do sự thay đổi trong lĩnh vực chất bán dẫn (chip).
Nền kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các lô hàng xuất khẩu chất bán dẫn vững chắc trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu trong năm 2025 không mấy lạc quan do những khó khăn liên quan đến chip - mặt hàng xuất khẩu chính của "xứ kim chi".
Các tổ chức kinh doanh dự đoán xuất khẩu có thể trì trệ vào năm tới, chủ yếu do điều kiện thị trường đối với lĩnh vực chất bán dẫn và ô tô xấu đi. Nhu cầu về chip của Hàn Quốc có thể suy yếu trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Ngoài ra, không loại trừ khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu liên quan đến bất ổn ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, điều có thể gây tổn hại đến nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc xuất khẩu.
Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc - một nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn, trích dẫn khảo sát đối với 150 công ty hoạt động trong 12 ngành xuất khẩu chính của Hàn Quốc, dự báo xuất khẩu chỉ tăng 1,4% vào năm 2025. Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc có thể chậm lại ở mức 1,8%. Các tổ chức kinh tế lớn khác bao gồm Ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Viện Phát triển Hàn Quốc do nhà nước điều hành cũng đều đưa ra dự báo tăng trưởng xuất khẩu dưới 2%.
Chỉ riêng Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc nhận định xuất khẩu sẽ tăng 2,2% vào năm 2025. Tuy nhiên, kết quả của cuộc khảo sát do Viện này tiến hành đối với 133 chuyên gia trong ngành cho thấy chỉ số tâm lý xuất khẩu của ngành sản xuất Hàn Quốc trong tháng 1/2025 sẽ giảm xuống 76 điểm, báo hiệu tương lai đáng lo ngại bởi con số trung lập là 100 điểm.
Lý do chính khiến viễn cảnh về tâm lý xuất khẩu trở nên tiêu cực là những rắc rối đang rình rập trong ngành bán dẫn tại Hàn Quốc. Năm 2024, tổng lượng hàng bán dẫn xuất khẩu được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 139 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Có thể nói, xuất khẩu chip đã thúc đẩy xuất khẩu của Hàn Quốc do nhu cầu trên toàn cầu tăng cao.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc có thể không chứng kiến sự bùng nổ vào năm tới, chủ yếu do các đối thủ Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bán dẫn thế hệ cũ. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc, vốn lâu nay phụ thuộc vào việc nhập khẩu chip nhớ Hàn Quốc, đang ngày càng có xu hướng chuyển sang những giải pháp thay thế bằng hàng sản xuất trong nước.
Việc tiếp tục thay thế chip nhớ thế hệ cũ của Hàn Quốc bằng các sản phẩm Trung Quốc có thể khiến doanh thu năm 2025 của Samsung Electronics và SK hynix - hai “ông lớn” sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc, sụt giảm.
Bên cạnh những mối nguy đối với các sản phẩm chip thế hệ cũ, hai nhà sản xuất chip lớn của Hàn Quốc phải đối mặt với các hạn chế của Mỹ đối với chất bán dẫn thế hệ mới – bao gồm bộ nhớ băng thông cao (HBM) – được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang sử dụng chip được sản xuất tại các cơ sở sản xuất của Trung Quốc vì họ không thể nhập thiết bị chip tiên tiến do những hạn chế của Mỹ.
Ngoài chất bán dẫn, các ngành công nghiệp khác cũng đang chững lại. Xuất khẩu thép của Hàn Quốc dự kiến sẽ suy giảm 3-5% và xuất khẩu ô tô có thể tăng khiêm tốn 0-2% trong năm 2025. Sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế toàn cầu và các chính sách bảo hộ do Mỹ khởi xướng được cho là sẽ mang lại nhiều bất ổn hơn cho chính sách kinh tế dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc.
Những thách thức này khiến quan chức cấp cao phụ trách chính sách kinh tế của Hàn Quốc bày tỏ lo ngại. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok, hôm 23/12, nhận định: “Tăng trưởng xuất khẩu phải đối mặt với những trở ngại từ các hiệu ứng cơ bản và sự thay đổi trong chu kỳ bán dẫn, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phát triển chậm lại”.
Bất chấp việc hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đã trở thành "lối thoát" cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2024, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang giảm mạnh, khiến kinh tế Hàn Quốc gặp khó khăn. Ngược lại, trong năm 2025 nếu tăng trưởng xuất khẩu chậm lại đáng kể và nhu cầu tiêu dùng trong nước không phục hồi thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế nước này.
Với mức độ nghiêm trọng của những thách thức đang hiện hữu, những nỗ lực lưỡng đảng là rất cần thiết để đưa ra một mạng lưới an toàn cho xuất khẩu và ngăn chặn nguy cơ hạ cánh cứng. Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cần vạch ra những kế hoạch cải cách cơ cấu như giảm sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu chất bán dẫn và cân bằng lại sự phụ thuộc thương mại của mình vào Mỹ và Trung Quốc. Hành động táo bạo và quyết đoán là cách duy nhất để tiến về phía trước.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-ban-dan-han-quoc-truoc-suc-ep-dia-chinh-tri/358002.html