Ngành bán lẻ của Nga phục hồi sau cuộc di cư của thương hiệu phương Tây

Sau 15 tháng đóng cửa và nhu cầu sụt giảm, các nhà thiết kế và thương hiệu Nga đang giúp lĩnh vực bán lẻ dần phục hồi, nỗ lực thu hẹp khoảng cách do các đối thủ nước ngoài để lại.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt vào Ukraine cuối tháng 2/2022, hàng trăm nhà bán lẻ nước ngoài đã khăn gói rời đi, khiến nhiều con phố kinh doanh uy tín nhất của Moscow thưa khách và ngành công nghiệp lao đao, thiệt hại khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo CNA, Inditex, tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới thuộc Tây Ban Nha đã bán một số trong hơn 500 cửa hàng ở Nga cho một người mua có trụ sở tại UAE.

 Mọi người xếp hàng để vào một cửa hàng H&M đã mở cửa trở lại để bán số hàng còn lại trước khi công ty rời thị trường Nga, tại Moscow, Nga. Ảnh: CNA.

Mọi người xếp hàng để vào một cửa hàng H&M đã mở cửa trở lại để bán số hàng còn lại trước khi công ty rời thị trường Nga, tại Moscow, Nga. Ảnh: CNA.

Cửa hàng Zara hàng đầu của họ ở trung tâm Moscow, vốn không hoạt động trong hơn một năm. Tuy nhiên, hiện đã mở cửa trở lại vào tháng trước dưới sự quản lý mới và một thương hiệu mới, MAAG, khiến khách hàng phần lớn hài lòng.

Năm 2022, doanh số bán lẻ, thước đo chính về nhu cầu của người tiêu dùng, đã sụt giảm đáng kể, do lạm phát tăng cao và tiền lương giảm. Trong khi đó, cuộc di cư của phương Tây đã góp phần gây ra tổn thất nặng nề cho ngành.

Oleg Klimov, chủ tịch Hội đồng Trung tâm mua sắm của Nga, cho biết những lo ngại về hậu cần và thanh toán mất nhiều tháng để giải quyết.

Ông nói với Reuters: “Mọi người nói chung không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhiều người Nga không muốn tiêu tiền. Tổng thiệt hại của ngành trong khoảng 200 tỷ rúp (2,47 tỷ USD)”.

Khả năng tiếp cận của người Nga đối với các sản phẩm phương Tây, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt của McDonald's và quần jean Levi's - biểu tượng của các thương hiệu phương Tây đình đám đang giảm dần.

Và việc phương Tây xa lánh Nga, cùng với lệnh cấm xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, làm phức tạp thêm các tuyến đường thương mại.

“Vấn đề lớn nhất là các giao dịch quốc tế vì ngành công nghiệp này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu”, Ksenia Zhdanova, người điều hành thương hiệu quần áo KSEW của riêng mình và là giám đốc thương mại của thị trường quần áo thiết kế Nga trực tuyến Richmill, nhận định.

Một vấn đề khác là tình trạng thiếu nhân công. Tình trạng thiếu thợ may và chuyên gia dệt may là vấn đề nan giải, hiện chỉ có Chính phủ mới có khả năng giải quyết.

Người Nga đã phát triển các giải pháp nhập khẩu quy mô nhỏ và bán hàng trực tuyến giúp duy trì sự sống của các thương hiệu nước ngoài, nhưng một số thứ vẫn khó tìm.

Khách hàng Irina Nikulina cho biết cô không quá nhớ các thương hiệu nước ngoài, trừ khi cần thứ gì đó đơn giản, chẳng hạn như một chiếc áo phông trắng giá hợp lý.

Trong khi đó, Tatiana Vakhonina chia sẻ cô hiện nhớ những ngày tháng rong ruổi mua sắm tại gã khổng lồ nội thất Thụy Điển IKEA và Zara.

Điệp Nguyễn (Theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nganh-ban-le-cua-nga-phuc-hoi-sau-cuoc-di-cu-cua-thuong-hieu-phuong-tay-post249881.html