Ngành bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ chật vật ứng phó thương chiến

Các công ty bán lẻ hàng may mặc Mỹ đang đứng trước nguy cơ giảm lợi nhuận và phải đóng cửa các cửa hàng khi vòng thuế mới 10% của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1-9 tới.

 Các chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy giảm lợi nhuận do vòng thuế mới áp vào hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AP

Các chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ đang đối mặt với nguy cơ suy giảm lợi nhuận do vòng thuế mới áp vào hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AP

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump lùi ngày áp thuế về giữa tháng 12 đối với nhiều sản phẩm trong danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỉ đô la. Song phần lớn hàng may mặc và giày dép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn bị áp thuế bắt đầu từ ngày 1-9 tới.

Khoảng 40% sản phẩm áo quần và 70% sản phẩm giày dép tiêu thụ ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc, theo Hiệp hội Hàng may mặc và giày dép Mỹ (AAFA). Sau khi Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, các nhà bán lẻ hàng thời trang và giày dép Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động sản xuất hàng hóa tại nước này vì chi phí nhân công và sản xuất rẻ hơn.

Tổng cộng, khoảng 33 tỉ đô la hàng may mặc, mũ nón, giày dép nằm trong số gần 150 tỉ hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 10% vào đầu tháng 9 tới.

Khi mùa thu đang tới, những mặt hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc chịu tổn thương lớn nhất vì các sản phẩm như găng tay, áo len dài tay, áo bành tô sẽ bị Mỹ áp thuế 10% trong vòng chưa đầy hai tuần tới. Hơn 60% tất chân và vớ chân được tiêu thụ tại Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nhiều công ty bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ đã phải giảm giá bán để chống lại sự cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi cửa hàng giảm giá, Amazon.com và các nhà bán lẻ trực tuyến khác. Điều này khiến họ chỉ còn lại các mức biên lợi nhuận rất mỏng nên việc gánh thêm một phần của bất kỳ chi phí nào tăng thêm do thuế mới cũng sẽ bị tổn thương.

“Thuế mới có thể xóa sạch lợi nhuận của chúng tôi”, Wade Miquelon, Giám đốc điều hành công ty kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Joann Fabric & Craft Stores, nói trong một cuộc họp báo gần đây.

Jay Sole, nhà phân tích ngành bán lẻ và cửa hàng bách hóa ở Ngân hàng UBS, ước tính nếu Nhà Trắng tăng thuế 25% đối với thêm 300 tỉ hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế, điều này có thể khiến ít nhất 12.000 cửa hàng bách hóa ở Mỹ đóng cửa. Thậm chí mức đánh thuế 10% cũng gây áp lực cho hàng trăm cửa hàng bách hóa trên khắp nước này.

Mỹ đã áp thuế 25% với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc. Với vòng áp mới, gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ đều bị áp thuế vào cuối năm nay.

Hầu hết các công ty kinh doanh hàng may mặc ở Mỹ dự định tự gánh chi phí tăng thêm hoặc đàm phán các giải pháp cắt giảm chi phí với các nhà sản xuất Trung Quốc để tránh đẩy giá bán tăng cao, có thể khiến người tiêu dùng quay lưng.

Chuỗi cửa hàng bách hóa Macy’s đã tăng giá đối với một số sản phẩm hành lý, đồ nội thất và thiết bị, dụng cụ nhà bếp khi thuế áp vào các mặt hàng này của Trung Quốc tăng lên 25% hồi tháng 5. Giờ đây, Macy’s cho biết khó có thể áp dụng giải pháp tăng giá đối với các mặt hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế 10% vào tháng sau.

Jeffrey Gennette, Giám đốc điều hành Macy’s, nói: “Dựa vào kinh nghiệm, chúng tôi hiểu rằng khách hàng rất ít quan tâm đối với sản phẩm tăng giá”.

Ông cho biết Macy’s sẽ làm việc với các đối tác Trung Quốc để san sẻ chi phí tăng thêm.

Nhiều công ty bán lẻ hàng may mặc khác cũng thấy rất khó để tăng giá bán. 15% trong số những công ty bán lẻ áo quần, giày dép và phụ kiện mà Ngân hàng UBS theo dõi ở Mỹ chỉ có biên lợi nhuận chưa đến 3%. Các công ty này có tổng doanh thu 42 tỉ đô la mỗi năm và đang quản lý hơn 12.000 cửa hàng.

Tuy vậy, không phải mọi công ty đều bị tổn thương như nhau. Một số thương hiệu đã tiến hành các biện pháp giảm tác động của các mức thuế mới, thậm chí còn được hưởng lợi nhờ chúng.

Công ty Weyco Group, chuyên bán giày thương hiệu Florsheim và Stacy Adams cho biết đã tăng cường nhập hàng từ Trung Quốc ngay từ đầu năm nay để phòng ngừa thuế tăng thêm.

Công ty giày dép Columbia Sportswear cho biết có thể ngưng bán một sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Công ty kinh doanh giày dép và phụ kiện thời trang Steven Madden, cho biết đã di dời một số hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Nếu bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào chịu áp lực tăng giá bán sau khi thuế mới áp vào hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc có hiệu lực, Steven Madden xem đó là cơ hội để mở rộng thị phần.

“Bắt đầu từ mùa thu này, chúng tôi sẽ sản xuất phần lớn các sản phẩm mang thương hiệu Steve Madden ở Mexico”, Edward Rosenfeld, Giám đốc điều hành Steven Madden, nói. Ông cho biết thêm số một số dây chuyền sản xuất của Steven Madden đã được chuyển từ Trung Quốc sang Campuchia và một số nước khác.

Tuy nhiên, thay đổi nhà cung ứng không phải là một phương án dễ dàng đối với hầu hết các công ty bán lẻ hàng may mặc ở Mỹ. Họ phải mất nhiều năm để xây dựng các mối quan hệ và thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Các nhà bán lẻ đã xây dựng các hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ở các nhà máy tại Trung Quốc và không thể phá dỡ xây dựng lại ở một nước khác chỉ trong một thời gian ngắn.

Công ty kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Jo-Ann Fabric, đang quản lý 850 cửa hàng ở 49 bang của nước Mỹ, cho biết vòng thuế mới sẽ đánh vào các nguồn cung hoa giả từ Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty dự định vẫn giữ nguyên giá bán và sẵn sàng gánh bất cứ mức lỗ nào để giữ chân khách hàng.

Theo Wall Street Journal

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293172/nganh-ban-le-hang-may-mac-o-my-chat-vat-ung-pho-thuong-chien.html