Ngành bán lẻ nội: Đi riêng lẻ thì khó tồn tại

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), trong đó có cơ hội cho ngành bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền tảng thương mại điện tử thì các DN ngành bán lẻ cần chớp lấy thời cơ để nâng sức cạnh tranh và bứt phá trong cuộc đua đầy tính cam go với các nhà bán lẻ ngoại.

Cuộc đua gấp rút

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng 10,5-10,9% so với năm trước. Riêng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ trong nước đã tăng mạnh với những loại hình mới trong đó phải kể đến các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) ngày càng mọc lên nhiều ở khắp cả nước. Số liệu thống kê cho biết, cả nước hiện có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm (TTMS) và 150 TTTM, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 TTTM, 157 TTMS cũng như các cửa hàng tiện lợi.

Cùng với xu thế phát triển chung của ngành bán lẻ, chúng ta đang chứng kiến sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các DN bán lẻ ngoại. Hàng loạt những tên tuổi như Aeon, Lotte… đang trở thành những rào cản khiến cho các DN bán lẻ nội cần phải có những hành động để đối diện với những rào cản này.

Nhận định về xu hướng phát triển của ngành bán lẻ trong thời gian tới, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho rằng, hệ thống phân phối, bán lẻ đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với với sự tham gia đa dạng của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phú cũng cho rằng, để ngành bán lẻ trong nước phát triển thì cần biết rằng có tới 70% dân số Việt Nam đang sử dụng các thiết bị di động, cùng với đó là sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số, trí tuệ nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (Big Data)…, nên ngành bán lẻ cũng phải thay đổi một cách phù hợp.

Vai trò ngày càng tăng của thương mại điện tử

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phát triển ngày càng mạnh mẽ, các DN bán lẻ nội cần phải có những hành trang nhất định để bước vào cuộc cách mạng này, nhất là khi các DN ngoại đã và đang thâm nhập ồ ạt vào thị trường trong nước. Trình bày quan điểm của mình đối với sự phát triển của ngành bán lẻ trong thời gian tới, bà Đặng Thúy Hà- Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho rằng, các DN bán lẻ, thời điểm hiện nay, các DN bán lẻ đi một mình, đi riêng lẻ sẽ rất khó sống. Do đó, các DN cần bắt tay nhau để đi cùng nhau trên một con đường. Khi có sự liên kết giữa các nhà bán lẻ với nhau, chắc chắn sức cạnh tranh sẽ được nâng lên và từ đó các DN bán lẻ nội có thể “đấu lại” với các DN bán lẻ ngoại. Cũng theo bà Hà, trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, thương mại điện tử sẽ là chìa khóa quan trọng để người tiêu dùng tiếp cận với các loại hình kinh tế, đặc biệt là trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay.

Điều này cũng được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) khẳng định: Nếu như trước đây, người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ thì ngày nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến. Chính vì vậy, xu hướng thương mại điện tử tiếp tục có một vai trò ngày càng tăng trong ngành bán lẻ.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/nganh-ban-le-noi-di-rieng-le-thi-kho-ton-tai-tintuc449032