Ngành Bảo hiểm dồn sức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm bị thiệt hại do bão số 3

Ghi nhận tại các doanh nghiệp bảo hiểm, lãnh đạo và cán bộ nhân viên đang 'căng mình' để liên lạc, tiếp cập với khách hàng, người thân khách hàng, hỗ trợ thủ tục, giám định và chi trả bồi thường nhanh nhất.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới.

Toàn tâm, toàn lực để hỗ trợ khách hàng

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi Bão tan, ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Đồng thời, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.

Trước khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến cơn bão, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã liên hệ với nhiều khách hàng để hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Với cam kết đảm bảo quyền lợi bảo hiểm và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Bảo hiểm Bảo Việt đã huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường trên địa bàn các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng. Đồng thời, Bảo hiểm Bảo Việt cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp với khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại.

Tổng công ty Bảo hiểm BSH cũng đã huy động tối đa nguồn lực chuyên môn để hỗ trợ và giám định tổn thất cho khách hàng tại các tỉnh có bão quét qua. Đội ngũ giám định viên của BSH đã trực tiếp đến tận hiện trường bất chấp điều kiện vô cùng khó khăn và nguy hiểm, để đảm bảo các thiệt hại được ghi nhận chính xác và kịp thời, giúp khách hàng nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Một số giám định viên phải đi sâu vào vùng ngập, sử dụng các phương tiện tự chế như bè, tấm ván để tiếp cận khách hàng trong vùng bị ảnh hưởng nặng.

“Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác giám định lần này. Không chỉ là vấn đề di chuyển khó khăn trong khu vực bị ngập lụt mà còn là việc xử lý hồ sơ ngay tại hiện trường, trong điều kiện thiếu thốn các trang thiết bị", một giám định viên chia sẻ.

Chia sẻ, giảm bớt thiệt hại cho khách hàng là ưu tiên hàng đầu

Tính đến 17h ngày 12/9/2024, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Đây là những số liệu sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra còn phức tạp, do đó số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.

Theo đại diện của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Về phía Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đơn vị này cho biết, các doanh nghiệp ngành Bảo hiểm đã và đang tích cực chủ động liên hệ với chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm để thực hiện hỗ trợ nhân đạo và giải quyết nhanh chóng quyền lợi bảo hiểm.

Tại hầu hết các doanh nghiệp trong Ngành, công tác thống kê, giám định và xử lý bồi thường cho các khách hàng đang được chỉ đạo khẩn trương để nhanh chóng hỗ trợ, bồi thường cho cá nhân, đơn vị chịu thiệt hại.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù những thiệt hại từ bão số 3 gây ra sẽ tác động lớn tới hiệu quả kinh doanh, nhưng toàn ngành Bảo hiểm xác định, việc hỗ trợ bồi thường nhanh cho khách hàng để giảm tải bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh là ưu tiên hàng đầu.

Bảo Ngọc

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nganh-bao-hiem-don-suc-ho-tro-nguoi-tham-gia-bao-hiem-bi-thiet-hai-do-bao-so-3.html