Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam: Sẵn sàng cho mục tiêu năm 2025

Các địa phương cần chủ động tham mưu để đưa chỉ tiêu bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) vào danh sách các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, cũng như trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến đã được tổ chức nhằm đôn đốc công tác thu BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong năm 2024 do BHXH Việt Nam vừa tổ chức.

Gần 20 triệu người tham gia BHXH

Trong báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Quản lý thu - sổ, thẻ đã thông báo về sự phát triển mạnh mẽ trong công tác thu trong 11 tháng năm 2024. Cụ thể, số người tham gia BHXH đã đạt tới 19,699 triệu người; trong đó, BHXH bắt buộc chiếm 17,529 triệu người và BHXH tự nguyện là 2,17 triệu người, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt 8,5% và 39,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, số người tham gia BHTN và bảo hiểm y tế (BHYT) cũng có sự gia tăng ấn tượng, đạt 15,796 triệu người (tăng 9,7%) và 94,633 triệu người (tăng 2,9%). Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn ngành tăng 56.959 tỷ đồng (tương đương 13,6%) so với cùng kỳ năm 2023. Những con số này không chỉ phản ánh nỗ lực của ngành BHXH trong việc thu hút người dân tham gia mà còn cho thấy, sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng về vai trò và lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Tuy nhiên, để hoàn thành các chỉ tiêu được giao về độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục bám sát vào chỉ đạo của BHXH Việt Nam; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp. Đặc biệt, chú trọng tới chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT được Đảng, Nhà nước giao cho ngành BHXH Việt Nam; đây là chỉ tiêu mang tính “sống còn” với ngành BHXH Việt Nam.

 Cán bộ BHXH tư vấn cho người lao động về các chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trần Oanh

Cán bộ BHXH tư vấn cho người lao động về các chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Trần Oanh

Các đơn vị cần rà soát, đánh giá, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu; chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, tổ chức hội nghị khách hàng vận động theo nhóm người tham gia tiềm năng; thường xuyên kiểm tra hoạt động của nhân viên tổ chức dịch vụ thu theo đúng quy định để bảo đảm tuân thủ các quy trình, quy định; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu.

Lãnh đạo BHXH cũng nhấn mạnh, cần tăng cường nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông để người dân có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin cần thiết về chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm…

Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ Dương Văn Hào lưu ý, các địa phương cần bám sát các mục tiêu phát triển người tham gia đã được xây dựng trong các chương trình, kế hoạch của ngành giao cho các địa phương. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; xây dựng kế hoạch tăng cường tuyên truyền Luật BHXH, Luật BHYT, tập trung vào các nhóm mới thuộc diện tham gia; tập huấn các nội dung điểm mới của Luật tới thành viên các ban chỉ đạo, tổ chức dịch vụ thu…

Xây dựng kịch bản, phát triển đối tượng tham gia

Khẳng định quyết tâm phấn đấu triển khai mạnh các giải pháp để đạt tỷ lệ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024 ở mức cao nhất, Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, từ việc rà soát dữ liệu thuế, tổ chức hội nghị đối thoại với đơn vị sử dụng lao động, truyền thông nhóm nhỏ… đều đang được BHXH các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội triển khai mạnh mẽ; dự kiến trong tháng 12 sẽ bảo đảm hoàn thành đúng theo kịch bản đã được xây dựng từ đầu năm.

Theo ông Đặng Hồng Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh An Giang, trên cơ sở thực tiễn năm 2024, sẽ sớm chỉ đạo xây dựng kịch bản thu, phát triển người tham gia năm 2025, phát huy mạnh mẽ các bài học kinh nghiệm từ các giải pháp đang triển khai hiệu quả, đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế. Đặc biệt, tăng cường tổ chức các hội nghị truyền thông, hội nghị khách hàng với nội dung có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng nhóm BHYT hộ gia đình, phát triển mạnh qua các nhóm đoàn thể.

Điểm khác biệt trong kế hoạch năm 2025 của BHXH tỉnh An Giang là sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị để xây dựng nguồn dữ liệu về người lao động, kết nối với đơn vị sử dụng lao động, qua đó, thúc đẩy tuyển dụng mới và tham gia BHXH bắt buộc. Với BHXH tự nguyện, sẽ tập trung tuyên truyền qua các đầu mối là tổ chức đoàn thể, phát triển mạnh hệ thống cộng tác viên; tăng cường vai trò của đảng viên vận động người thân tham gia BHXH tự nguyện…

BHXH tỉnh Hải Dương cũng đã sẵn sàng các giải pháp triển khai mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2025, nhất là việc thực hiện thu BHXH bắt buộc với các nhóm đối tượng mới thuộc diện tham gia theo quy định của Luật BHXH 2024. Theo đó, BHXH tỉnh đang nắm danh sách đơn vị mới được cấp phép hoạt động; theo sát tình hình thực tế tại các đơn vị, gửi thông báo yêu cầu tham gia BHXH, BHYT ngay khi các đơn vị đi vào sản xuất, có phát sinh quan hệ lao động.

Đại diện BHXH tỉnh Nghệ An chia sẻ, đơn vị sẽ tập trung tham mưu để đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào văn kiện đại hội đảng các cấp, nhất là cấp xã, cấp cơ sở. Hiện, đơn vị đã chủ động xây dựng chỉ tiêu đến năm 2030 cho từng cấp xã. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm thực hiện các nội dung mới trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, nhất là các nội dung liên quan đến các nhóm đối tượng mới thuộc diện tham gia.

BHXH tỉnh cũng chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức dịch vụ thu, tăng cường thực hiện quy chế phối hợp 3 bên. Mặt khác, yêu cầu BHXH cấp huyện phải phát huy vai trò điều phối mối quan hệ 3 bên; thường xuyên kiện toàn đội ngũ nhân viên, cộng tác viên làm công tác thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nganh-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-san-sang-cho-muc-tieu-nam-2025-post399524.html