Ngành cà phê: Kết nối sản xuất với xúc tiến thương mại
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại mặt hàng cà phê thông qua hàng loạt các sự kiện như: Ngày Cà phê Việt Nam, Lễ hội cà phê Việt Nam, đưa sản phẩm cà phê đi dự các sự kiện, hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước… là giải pháp Bộ Công Thương đang tích cực triển khai.
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Tại Hội nghị giao thương các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp XK cà phê nước ngoài vừa tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam 2019, ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, trong những năm gần đây, cà phê luôn nằm trong nhóm mặt hàng nông sản XK chủ lực. Sản lượng XK cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm, kim ngạch XK đạt trên 3 tỷ USD. Với vị trí thứ 2 về giá trị XK, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Cụ thể, cà phê hiện nằm trong nhóm hàng nông sản được ưu tiên hỗ trợ từ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Kinh phí triển khai bình quân hàng năm chiếm từ 6 - 7% tổng kinh phí dành cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Bộ Công Thương hỗ trợ định kỳ tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam, Lễ hội Cà phê Việt Nam cũng như các hội chợ chuyên ngành lớn trong nước và quốc tế...; chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại cà phê tại một số thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng.
"Việc tổ chức Hội nghị giao thương các doanh nghiệp XK cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp XK cà phê nước ngoài trong khuôn khổ Ngày Cà phê Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia mặt hàng cà phê được Bộ Công Thương phê duyệt, triển khai" - ông Tài chia sẻ.
Doanh nghiệp chủ động
Chủ tịch Vicofa ông Lương Văn Tự cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại đang giúp sản phẩm cà phê ngày càng được nhiều người biết đến.
Theo ông Tự, trong thời đại bùng nổ thông tin và mạng xã hội phát triển, các hoạt động xúc tiến thương mại cà phê cũng được cải tiến theo hướng hiện đại chứ không đơn thuần là mang cà phê đi "chào hàng" hội chợ như trước đây. Đơn cử, khi khoảng 70 chuyên gia, doanh nghiệp cà phê lớn trên thế giới đến với Ngày Cà phê Việt Nam 2019, livestream và post hình ảnh lên mạng xã hội, cơ hội để người tiêu dùng biết đến cà phê Việt Nam còn cao hơn nhiều so với việc đi dự vài hội chợ đơn thuần.
Các doanh nghiệp hiện nay có thế mạnh là đón đầu tốt các xu hướng thương mại hiện đại, tận dụng hiệu quả phương pháp bán hàng qua thương mại điện tử và đang dần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đây là tiền đề để phát triển thương hiệu, XK bền vững trong tương lai. "Ngoài hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thời gian tới, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước…" - ông Lương Văn Tự chia sẻ thêm.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cà phê xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; và cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu.