Ngành cá tra vượt qua 'cửa ải' kiểm soát vùng nuôi, đủ điều kiện tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ
Khi các trang trại nuôi trồng thủy sản vượt qua được những đợt kiểm tra các điều kiện an toàn thực phẩm của đoàn thanh tra Mỹ và đoàn thanh tra đến từ châu Âu, sẽ là yếu tố tiên quyết giữ thị trường, đồng thời là 'tín chỉ' để thâm nhập vào thị trường khác…
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), những ngày cuối tháng 8/2023 vừa qua, Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Mỹ - FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu. Đây có thể được coi là “cửa ải” rất khó nhưng đòi hỏi ngành cá tra phải vượt qua, thì mới được phía Hoa Kỳ cho phép tiếp tục xuất khẩu cá tra vào thị trường này.
THỊ TRƯỜNG NGÀY CÀNG YÊU CẦU KHE KHẮT VỀ SẢN PHẨM
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra đạt trên 2,4 tỷ USD. Ba thị trường lớn nhập khẩu cá tra Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, EU. Bước sang nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm sâu đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm gần 35% và EU giảm khoảng 20%.
Theo ông Cẩn, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 142 cơ sở, vùng nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ, chiếm gần 9% số cơ sở/vùng nuôi cá tra của cả nước. Tất cả các cơ sở này đều phải trải qua cuộc thanh tra, đánh giá của Mỹ.
Trước đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở, vùng nuôi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, Cục Thủy sản đã rà soát điều kiện nuôi của các cơ sở/vùng nuôi tại 4 địa phương nuôi cá tra trọng điểm trong vùng là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thẩm định, giám sát, chứng nhận.
Thông tin tại cuộc họp đánh giá kết quả sau chuyến thanh tra của Đoàn thanh tra Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Mỹ, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: “Đoàn thanh tra của Mỹ sang đánh giá hệ thống sản xuất cá tra Việt Nam, kết quả đánh giá không có những lỗi lớn, quy trình của chúng ta vẫn đảm bảo”.
"Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng giống cá tra để phát triển công tác chọn giống qua nhiều thế hệ, cung cấp cho thị trường. Cục Thủy sản đang đặt hàng 75.000 cá tra bố mẹ để cung cấp cho các địa phương nhằm tạo cơ sở lai tạo con giống chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc".
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.
Theo ông Luân, các cơ sở/vùng nuôi của doanh nghiệp đảm bảo tốt các tiêu chí, điều kiện theo Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cùng với đó, 100% các cơ sở/vùng nuôi đã được cấp mã số nhận diện ao nuôi.
Tuy nhiên, ông Luân chỉ rõ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khoảng 30% các hộ nuôi nhỏ lẻ, vẫn còn tồn tại một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Do đó, cơ quan chuyên môn Cục Thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở khẩn trương khắc phục, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, với đoàn thanh tra của Mỹ kiểm tra hệ thống cá da trơn của nước ta thì cơ bản là tốt, chỉ có vài lỗi không đáng kể. Chúng ta tiếp tục đủ điều kiện xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Theo ông Tiệp, trước đó, trong tháng 7/2023, Việt Nam cũng đã phải tiếp đoàn thanh tra của châu Âu đến kiểm tra hệ thống thủy sản của Việt Nam. “Kết quả cũng sau Covid-19 cũng có một số vấn đề mà đoàn châu Âu họ phát hiện ra và đề nghị chúng ta phải nghiêm túc xử lý. Tuy nhiên duy trì ở mức không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu thủy sản. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục được xuất khẩu, nhưng chúng ta vẫn cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn”, ông Tiệp lưu ý.
Ông Nhữ Văn Cẩn thông tin thêm mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đến thăm một cảng biển ở Hà Lan - là nơi trung chuyển gần 60% lượng hàng nông thủy sản Việt Nam vào châu Âu. Một doanh nghiệp logistics tại đây chia sẻ, lượng hàng thủy sản tồn kho ở cảng rất nhiều.
Theo ông Cẩn, đối với thị trường EU, hiện khu vực này không chỉ quan tâm các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường bền vững, mà còn quan tâm đến chứng nhận an sinh thực vật và chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính. Thậm chí các tiêu chuẩn, chứng nhận này có thể dần được luật hóa.
“Nói như thế để thấy rằng sản xuất cá tra sản xuất theo chuỗi, buộc chúng ta phải tiếp cận và theo thị trường. Ngành hàng cá tra hiện nay đã chuyên nghiệp và chúng ta cần nỗ lực để giữ vững vị thế”, ông Cẩn nhấn mạnh.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN TRONG THÁNG 8 VẪN SUY GIẢM
Thông tin về tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản 8 tháng, ông Trần Đinh Luân cho biết sản lượng thủy sản thu hoạch tháng 8 đạt 837,4 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng khai thác đạt 351,6 nghìn tấn, giảm 0,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 3,8%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của nước ta đạt hơn 5,93 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó sản lượng khai thác đạt hơn 2,63 triệu tấn, tăng 0,3%; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng 3,8%.
“Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 7/2023 đã đạt gần 1 tỉ USD, nhưng sang tháng 8/2023 lại giảm chỉ còn 750 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn hàng hiện nay tương đối khó khăn. Cho nên trong tháng 9, về chỉ đạo sản xuất, cần rà soát linh hoạt vùng nguyên liệu thủy sản để trong trường hợp thị trường, đơn hàng tốt chúng ta không bị động”, ông Luân nhấn mạnh.
"Lũy kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỉ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm trước".
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.
“Bên cạnh đó, sau vụ Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi, do đó chúng ta cũng cần đánh giá lại xem có cơ hội gì cho thủy sản Việt Nam hay không”, ông Trần Đình Luân nói.
Dự báo về xuất khẩu thủy sản, Cục Thủy sản cho rằng các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 - 25% so với năm 2022. Xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.
Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản được dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỉ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông.
Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết tháng 9/2023, sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ như: Thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử ở các cảng cá, lấy chuỗi cá ngừ ở Bình Định làm thí điểm; chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC sang làm việc về khai thác chống IUU trong tháng 10; tiếp tục phát triển mô hình nuôi trồng rong biển, đồng quản lý ở các địa phương ven biển, nuôi cá hồ chứa…