Ngành chăn nuôi và thú y Bình Định tận dụng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý
Hình thành nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cần sự phối hợp với cơ quan công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch bệnh động vật, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, ứng dụng quản lý thuốc thú y, vaccine.
Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 70% cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; giám sát dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi; về truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Cùng với đó, ngành cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và bản đồ dịch bệnh tỉnh Bình Định.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, người đứng đầu có trách nhiệm lớn trong công tác chuyển đổi số và chịu trách nhiệm trực tiếp với Giám đốc Sở NN&PTNT khi thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về mục tiêu chuyển đổi của lĩnh vực chăn nuôi và thú y địa phương tới năm 2025?
Ngoài việc hoàn thành 70% cơ sở dữ liệu và bản đồ dịch bệnh trong lĩnh vực như đã đề cập ở trên, chúng tôi hướng đến 80% cơ sở chăn nuôi khi có nhu cầu sẽ được đăng tải thông tin các sản phẩm chăn nuôi trên sàn thương mại điện tử của tỉnh hoặc các kênh bán hàng online. Cùng vơi đó, 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực chăn nuôi được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Đối với thủ tục hành chính, ngành chăn nuôi và thú y phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ trực tuyến toàn trình được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Bình Định và cả thiết bị di động. Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ giải quyết phấn đấu đạt từ 70% trở lên; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra, 100% công chức, viên chức được cấp hộp thư công vụ trong trao đổi văn bản, tài liệu.
Để thực hiện được các phần việc đã đề ra, người đứng đầu đơn vị đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số và chịu trách nhiệm trực tiếp với Giám đốc Sở NN&PTNT về thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực mình phụ trách. Chúng tôi mong muốn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chuyển đổi số cũng cần được tuyên dương, khen thưởng để khích lệ, động viên tinh thần họ.
Song song, chúng tôi đang tích cực phối hợp triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ NN&PTNT, các Cục chuyên môn, sẵn sàng kết nối với nền tảng tích hợp. Việc tích hợp dữ liệu là rất thiết thực, phục vụ công ty tác quản lý Nhà nước. Hiện, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, giám sát dịch bệnh do Cục, Bộ, ngành Trung ương triển khai.
- Như vậy, dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi số của ngành?
Đúng vậy, việc hình thành nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành sẽ gồm việc phối hợp giữa các cơ quan về công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch bệnh động vật, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, ứng dụng quản lý thuốc thú y, vaccine, đồng thời triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu do Cục Chăn nuôi triển khai trong thời gian tới trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả smartphone. Đây sẽ là phần việc quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Hiện, Chi cục cũng sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu do Cục, Bộ, ngành Trung ương triển khai và các phần mềm do địa phương chủ động xây dựng.
Không dừng ở đó, chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Hiện, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, chúng tôi muốn gắn nhiệm vụ chuyển đổi số trong sản xuất chăn nuôi với thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tại địa phương, tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển Khu chăn nuôi trang trại tập trung Nhơn Tân (Thị xã An Nhơn) thành Vùng chăn nuôi công nghệ cao của tỉnh và xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (lĩnh vực chăn nuôi).
Tỉnh muốn đẩy mạnh phát triển các vật nuôi chủ lực, tiềm năng như heo, gà, bò chất lượng cao nhằm đảm bảo cung ứng các sản phẩm thịt heo, thịt gà và trứng gia cầm, thịt bò; phát triển sản xuất chăn nuôi công nghệ cao với quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Khi đó, các doanh nghiệp sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, họ ứng dụng các phần mềm tự động hóa trong quản lý, vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường chăn nuôi trên địa bàn.
Tương ứng, khi đã sản xuất tốt thì cần phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm làm ra, Chi cục đã tham mưu, đề xuất Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương, Sở TT&TT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Triển khai chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (lĩnh vực chăn nuôi) sau khi được ban hành, lồng ghép thực hiện hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật.
Theo Kế hoạch Chuyển đổi số lĩnh vực Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, địa phương đặt mục tiêu cơ bản đến năm 2030:
-Phấn đấu 100% cơ sở dữ liệu quản lý về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và giám sát dịch bệnh được số hóa, lưu trữ tập trung, chia sẻ trên hệ thống dữ liệu dùng chung và nền tảng dữ liệu mở của tỉnh.
-Phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
-Phấn đấu 100% cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi được xây dựng có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.
-Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất chăn nuôi khi có nhu cầu sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn đăng tải và kinh doanh các sản phẩm nông sản của mình trên sàn thương mại điện tử của tỉnh hoặc các kênh bán hàng online.