Ngành chip Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn vào năm 2024

Các nhà phân tích nói với CNBC rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn hơn từ Mỹ và Hà Lan, động thái này được cho là sẽ kiềm chế công nghệ chip của cường quốc châu Á.

Đầu năm nay, Hà Lan đã cấm nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML của nước này xuất khẩu một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu sang Trung Quốc. Nổi bật, máy in thạch bản là chìa khóa để sản xuất chip tiên tiến.

Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các công cụ sản xuất chip và bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, dựa trên các quy định trước đó. Washington lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng những con chip tiên tiến này trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và quân sự.

 Một lá cờ Trung Quốc được treo bên cạnh tấm biển “Made in China” nhìn thấy trên bảng mạch in có chip bán dẫn. Ảnh: CNBC.

Một lá cờ Trung Quốc được treo bên cạnh tấm biển “Made in China” nhìn thấy trên bảng mạch in có chip bán dẫn. Ảnh: CNBC.

Bắc Kinh chỉ trích động thái của chính phủ Hà Lan, kêu gọi quốc gia này “duy trì quan điểm khách quan, công bằng và các nguyên tắc thị trường”.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc nhận định Mỹ đang "vũ khí hóa" các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đồng thời nói thêm rằng họ “rất lo ngại về sự can thiệp trực tiếp của xứ cờ hoa” vào vấn đề xuất khẩu công nghệ cao của các công ty Hà Lan sang Trung Quốc.

Vào tháng 10, Mỹ đã cấm bán chip A800 và H800 mà tập đoàn Nvidia (Mỹ) sản xuất riêng cho thị trường Trung Quốc.

Điều này khiến Nvidia phải tung ra những con chip thậm chí còn kém mạnh hơn ở Trung Quốc vào tháng 12 để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của xứ cờ hoa.

Theo dữ liệu hải quan công bố hôm thứ Sáu (12/1), nhập khẩu mạch tích hợp của Trung Quốc vào năm 2023 đã sụt giảm trong bối cảnh chịu hạn chế từ Mỹ, giảm 15,4% so với cùng kỳ xuống còn 349,4 tỷ USD vào năm 2023. Dữ liệu cho thấy khối lượng vận chuyển cũng giảm 10,8%.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn tiến bộ công nghệ cao của Trung Quốc đã thúc đẩy gã khổng lồ kinh tế phải trông cậy vào các công ty trong nước để tự lực cánh sinh.

Kể từ năm 2019, Mỹ đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa.

Theo CINNO Research có trụ sở tại Thượng Hải, doanh thu của 10 nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu Trung Quốc đã tăng 39% trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước đó.

Khánh Vy (Theo CNBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nganh-chip-trung-quoc-co-the-phai-doi-mat-voi-nhieu-han-che-hon-vao-nam-2024-post281538.html