Ngành chứng khoán đi tìm dư địa ở thế hệ trẻ, Gen Z
Hoàng Linh, một học sinh cấp ba tại Hà Nội đã sớm tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán khi được bố mẹ hướng dẫn trên số tiền thưởng kết quả học tập, lì xì mỗi năm. Không riêng Linh, rất nhiều bạn trẻ đã sớm tiếp cận kênh đầu tư này và định hướng như nguồn thu nhập thứ hai.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư trẻ, bao gồm thế hệ Gen Z quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán. Chính vì lẽ đó mà các công ty chứng khoán quan tâm nhiều hơn tới nhóm khách hàng này.
Giai đoạn khoảng 5 năm trở lại, thị trường chứng khoán (TTCK) đã từng bước trở thành kênh đầu tư phổ biến. Nếu như cuối năm 2019, số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân trong nước khoảng 2,3 triệu đơn vị, con số đến tháng 5/2024 đã gấp 3,4 lần, đạt gần 7,9 triệu tài khoản. VN-Index, chỉ số đại diện thị trường, từ khoảng 900 - 1.000 điểm vào cuối 2019 đến nay đã tăng lên vùng 1.300 điểm.
Xét từ đầu năm 2024 đến mốc 1.300 điểm vừa lập phiên 12/6, VN-Index đã tăng 15%, cao hơn nhiều nếu so với lãi suất gửi tiết kiệm (khoảng 4% - 5%/năm). Trong xu hướng đi lên của thị trường, cổ phiếu một số nhóm ngành như công nghệ, phân bón, chăn nuôi lợn, chứng khoán... còn đem về mức tăng giá hàng chục phần trăm.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư trẻ, bao gồm thế hệ Gen Z, đã xem chứng khoán là kênh thu nhập thứ hai với tỷ suất sinh lợi tiềm năng.
Đối tượng khách hàng tiềm năng của CTCK
Giữa cuộc chiến cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt, nhóm khách hàng trẻ cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng mà một số công ty chứng khoán (CTCK) hướng đến.
Trước đây, các CTCK thường tiếp xúc thế hệ nhà đầu tư trẻ chủ yếu ghi nhận qua các hoạt động tổ chức hội thảo/workshop đầu tư, hỗ trợ các câu lạc bộ chứng khoán, tài trợ cuộc thi đầu tư chứng khoán tại các trường đại học như Đại Học Ngoại Thương, Đại Học Kinh tế Quốc Dân, Học viên Ngân hàng, Đại học Ngân hàng...
Tuy nhiên giờ đây, những nghiên cứu chuyên sâu, những sản phẩm được thiết kế riêng biệt cho nhóm khách hàng đã dần xuất hiện. Đơn cử như ông lớn Chứng khoán SSI đầu tháng 6 đã triển khai chương trình hướng tới nhóm khách hàng trẻ mang tên “Chứng SSĨ Gen trội - Chính là tôi”. Trong đó, SSI đưa ra các ưu đãi miễn phí giao dịch, hoàn lãi margin cho nhà đầu tư tự giao dịch. Một số công cụ hỗ trợ nhà đầu tư cũng được thiết kế riêng biệt dành cho nhóm đối tượng là Gen Z.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Chen Chia Ken, CEO Chứng khoán Phú Hưng nhận định thế hệ Gen Z là đối tượng cho tương lai. “Để tìm hiểu nhu cầu các bạn trẻ, PHS phải tìm hiểu sở thích của họ. Gen Z hiện họ không cần gọi cho môi giới hay lên website để đặt lệnh”, ông Chen Chia Ken chia sẻ quan điểm của PHS.
Đồng quan điểm với vị lãnh đạo của Phú Hưng, rất nhiều đơn vị trên thị trường quan tâm tới đặc tính giao dịch, cá tính hay sở thích của nhà đầu tư trẻ. Nhóm công ty đến từ Hàn Quốc thậm chí phát triển riêng một app giao dịch hướng tới nhóm khách hàng trẻ.
Bình luận về xu hướng này, theo ông Phạm Quang Hưng, Giám Đốc Ban Phát triển Kinh doanh VCBF, cho rằng, những người trẻ ở thế hệ Z được sinh ra từ năm 1995 - 2012. Tại Việt Nam, Gen Z chiếm khoảng 25%, tương đương 15 triệu người, là lực lượng lao động chính hiện tại và trong vài chục năm tới.
Sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ tiến bộ xã hội, Gen Z có những đặc tính nổi bật so với các thế hệ trước đó như: cởi mở với thế giới, cạnh tranh cao, học tập, làm việc độc lập… Đặc biệt, với sự tiến bộ vượt bậc của internet, Gen Z có khả năng khai thác thông tin, tìm kiếm những dữ liệu quan trọng, từ đó phục vụ học tập, làm việc hiệu quả hơn.
Đối với lĩnh vực tài chính, không chỉ có các kênh đầu tư tài chính truyền thống như bất động sản, vàng, gửi tiết kiệm như các thế hệ trước, Gen Z đã tham gia nhiều hoạt động đầu tư khác như chứng khoán, bitcoin, forex...
Chuyên gia VCBF cho rằng việc các CTCK xác định Gen Z là đối tượng khách hàng tiềm năng hoàn toàn là một chiến lược đúng đắn, nhạy bén khi thế hệ này có nhu cầu đầu tư, gia tăng tài sản cao.
Ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của WiGroup đồng thuận, Gen Z là đối tượng khách hàng tiềm năng mà các CTCK coi trọng. Thứ nhất, hiểu biết về công nghệ là điểm mạnh của Gen Z, khi họ sinh ra và lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, dễ dàng tiếp cận và sử dụng các nền tảng giao dịch trực tuyến.
Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin của Gen Z rất cao; các bạn trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến, giúp cập nhật nhanh chóng và liên tục về thị trường chứng khoán.
“Theo tôi được biết từ các khảo sát gần 80% thế hệ Millennials và hơn 85% nhà đầu tư Gen Z sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên đầu tư trên internet. Điều này làm cho Gen Z trở thành tệp khách hàng dễ thuyết phục trải nghiệm các dịch vụ của CTCK”, ông Nguyên chia sẻ.
Cuối cùng, Gen Z có xu hướng đầu tư từ sớm, và các bạn cũng sẽ trở thành nhóm người dùng đông đảo trong tương lai định vị thị trường, tạo ra một cơ hội lớn cho các CTCK trong việc phát triển và mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, sự cởi mở tiếp cận cái mới của Gen Z cũng là thách thức lớn cho CTCK. Gen Z có kỳ vọng rất cao về trải nghiệm người dùng và công nghệ. Đặc biệt, nhóm khách hàng này không có sự trung thành cao đối với một CTCK cụ thể, họ luôn tìm kiếm những trải nghiệm mới và cơ hội đầu tư tốt hơn.
Điều này buộc các CTCK phải nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến dịch vụ và nền tảng giao dịch tạo ra các giá trị vượt trội và độc đáo để thu hút và giữ chân.
NĐT Gen Z cần có cách tiếp cận phù hợp
Cũng theo nhà phân tích WiGroup, về phía Gen Z, khi tiếp cận chứng khoán từ sớm, nhóm nhà đầu tư này cũng đối mặt với một số rủi ro đáng kể. Trước hết, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm, các bạn trẻ dễ đưa ra các quyết định sai lầm vì chưa hiểu rõ về thị trường và các công cụ.
Ông Trương Đắc Nguyên cho rằng, TTCK là nơi diễn ra các giao dịch tài chính tỷ USD, nơi làm việc và kiếm tiền của các “sói già” và “big boy”. Việc kiếm lợi nhuận ổn định dài hạn cần mức độ hiểu biết nhất định chứ không thể chủ quan.
Sự tự tin thái quá là điều dễ khiến Gen Z mắc sai lầm, có thể dẫn đến rủi ro tài chính, khi đầu tư không đúng cách có thể gây mất mát lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính cá nhân trong dài hạn.
"Các năm qua CTCK đang giới thiệu việc đầu tư gắn với các hình thức nhiều cơ hội, hấp dẫn Gen Z như “game” thi đầu tư, hoàn thành nhiệm vụ được tiền, được cổ phiếu.
Điều này làm chứng khoán trông có vẻ dễ dàng hơn, nhưng Gen Z dễ bị lôi cuốn bởi ảo tưởng đầu tư nhất thời mà không có sự nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng, dẫn đến những quyết định đầu tư thiếu bền vững. Việc định hướng tư duy đúng và cách tiếp cận chứng khoán đúng đắn là rất quan trọng để giúp Gen Z trở thành những nhà đầu tư thông thái và hiệu quả”, ông Nguyên nhận định.
Ông Phạm Quang Hưng cũng có đánh giá Gen Z là thế hệ độc lập và trẻ, song chưa có nhiều kinh nghiệm sống và đầu tư. Nếu Gen Z không chuẩn bị những giải pháp giảm thiểu rủi ro trong thị trường, tổn thất tài chính sẽ phải mất nhiều năm mới bù lại. Lịch sử đã cho thấy, nhiều thế hệ đã vấp phải khi nền kinh tế thế giới trải qua những thời kỳ khủng hoảng.
Do đó, việc định hình phong cách sống và xây dựng mục tiêu tài chính vô cùng quan trọng. Từ mục tiêu tài chính, Gen Z có thể nhờ các chuyên gia, những người có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng kế hoạch tích lũy, đầu tư để đạt được mục tiêu. Thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, kỷ luật là hết sức quan trọng.
“Việc định hình phong cách sống, trách nhiệm xã hội, tài chính cá nhân vững mạnh cho thế hệ tương lai của Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của các công ty quản lý quỹ, của các CTCK mà là của toàn xã hội”, ông Hưng chia sẻ.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nganh-chung-khoan-di-tim-du-dia-o-the-he-tre-gen-z.html