Ngành Công nghệ sinh học có dễ xin việc làm?

Ngành Công nghệ sinh học đang được các trường chú trọng phát triển thành ngành học mũi nhọn, mang lại cho người học nhiều cơ hội việc làm.

Công nghệ sinh học được biết đến là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp giữa quy trình nghiên cứu với nhiều thiết bị kỹ thuật, nhằm tạo ra quy mô công nghệ khai thác hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật.

Để biết ngành học này có cơ hội việc làm cao không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.

Ngành Công nghệ sinh học có tiềm năng phát triển lớn. (Ảnh minh họa)

Ngành Công nghệ sinh học có tiềm năng phát triển lớn. (Ảnh minh họa)

Cơ hội việc làm ngành Công nghệ sinh học

Thời gian qua, ngành Công nghệ sinh học mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo nhiều giống cây trồng mới, ứng dụng vào xử lý môi trường, tạo ra những bộ Kit chẩn đoán bệnh cho thủy sản, cho gia súc gia cầm và chẩn đoán bệnh người.

Báo Lao Động dẫn lời TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành Công nghệ sinh học có tiềm năng phát triển rất cao.

Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu hay ứng dụng đều cần sử dụng công nghệ sinh học như trồng trọt, chăn nuôi, chọn tạo giống, thú y, công nghệ thực phẩm. Có thể đánh giá công nghệ sinh học là ngành nền tảng cho nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành này rất rộng mở, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên tại các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học; kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực; chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; làm việc trong các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm nghiệm. Đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học cũng có thể tự thân khởi nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, bạn có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như: nghiên cứu viên, giảng viên, kỹ thuật viên xét nghiệm, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, chuyên viên quản lý khoa học và công nghệ, giáo viên môn Sinh học.

Tổ hợp môn xét tuyển ngành Công nghệ sinh học

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thí sinh, nhiều đại học trên cả nước đang lần lượt xây dựng chương trình tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ sinh học.

Dưới đây là một số tổ hợp môn đang được nhiều trường đại học trên cả nước sử dụng để xét tuyển ngành Công nghệ sinh học.

A00: Toán, Vật lý, Hóa học
A02: Toán, Vật lý, Sinh học
B00: Toán, Sinh học, Hóa học
B08: Toán, Sinh học, tiếng Anh
D01: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh
D07: Toán, Hóa Học, tiếng Anh
D90: Toán, KHTN, tiếng Anh

Nếu đam mê ngành Công nghệ sinh học, bạn có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.

An Nhi (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nganh-cong-nghe-sinh-hoc-co-de-xin-viec-lam-ar888912.html